Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,5%), đóng góp 7,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 4,1%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Một số ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Sản xuất trang phục tăng 22%; sản xuất thiết bị điện tăng 20,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16,8%; khai thác than cứng và than non, sản xuất da và các sản phẩm liên quan cùng tăng 13,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,6%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,5%...

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 05/2022 đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Tính chung năm tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,25 tỷ USD, tăng 20,8%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 112,56 tỷ USD, tăng 14,8%, chiếm 73,7%. Trong năm tháng đầu năm 2022, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (đặc biệt có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 62,3%).

Tính chung năm tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại quốc tế đạt mức xuất siêu 516 triệu USD giá trị hàng hóa (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD). Khách quốc tế đến nước ta đạt 365,3 nghìn lượt người, cao gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.

Hoàng Thăng (T/h)