Người dân đang chuyển dịch mua sắm từ các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... sang mua sắm trực tuyến từ khi có dịch do COVID-19 gây ra (Ảnh minh họa: TTXVN)
Mặc dù trong năm 2020, thế giới đã chứng kiến những điều chưa từng có tiền lệ do sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng mọi người vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế của năm 2021, với hy vọng về việc triển khai rộng rãi vaccine ngừa COVID-19 và đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế châu Á và nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng đã góp phần vào đà tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nam Á, vốn được thúc đẩy bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết gần đây với sự tham gia của 15 quốc gia.
Đáng chú ý, riêng lĩnh vực bán lẻ tại châu Á được dự báo là sẽ khởi sắc trở lại trong năm nay. Doanh số bán lẻ tại khu vực châu Á trong năm 2021 có thể phục hồi về mức của năm 2019 với mức tăng trưởng ước đạt 6%, sau khi chứng kiến đà giảm 1,5% trong năm 2020, với 5 xu hướng chính sau:
1. Thị trường M&A sôi động
Thị trường mua lại và sáp nhập (M&A) toàn cầu trong năm 2020 vừa qua diễn ra khá thận trọng – nhưng điều này cũng liên quan đến chiến lược. Một số thương vụ M&A nổi bật nhất được ghi nhận trong năm trước gồm tập đoàn bán lẻ Trung Quốc Alibaba Group Holding Ltd và tập đoàn Thụy Sỹ Richemont đầu tư 1,15 tỷ USD vào nhà bán lẻ thời trang cao cấp trực tuyến Farfetch Ltd, bên cạnh việc "gã khổng lồ” bán lẻ Tesco của Anh bán mảng kinh doanh siêu thị cho tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan Charoen Pokphand Group (CP Group).
Mặc dù danh sách các công ty phá sản đang được mở rộng do đại dịch COVID-19 buộc các hoạt động kinh doanh phải tạm ngừng, nhưng đây lại trở thành một cơ hội hấp dẫn cho các công ty tìm kiếm và bổ sung vào danh mục đầu tư của mình để kiếm lời trong tương lai. Do đó, các thương vụ M&A mới dự kiến sẽ được thực hiện trong năm nay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
2. Sự trở lại của các cửa hàng “tự động"
Năm 2018 chứng kiến sự nở rộ của các cửa hàng tự động tại Trung Quốc và xu hướng này đã thoái trào nhanh sau khi trở nên phổ biến do thiếu hiệu quả thương mại thấp. Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ ở châu Á đã bắt đầu tái đầu tư vào công nghệ cửa hàng tự động.
Cụ thể, một số hãng viễn thông Hàn Quốc và Nhật Bản sử dụng người máy giao hàng trên đường phố. Giữa bối cảnh việc thanh toán không dùng tiền mặt và quy định giãn cách xã hội ngày càng được siết chặt, công nghệ cũng đã phát triển vượt bậc cùng với việc sử dụng rộng rãi kết nối Internet 5G để tăng cường hơn nữa xu hướng tự động hóa trong lĩnh vực bán lẻ.
3. Thành phố thứ cấp
Các khoản đầu tư được phân bổ cho các thành phố trung tâm đã dần chuyển sang các thành phố thứ cấp và các thị trường mới nổi. Khi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường ở châu Á sau khủng hoảng COVID-19, nhu cầu về trải nghiệm bán lẻ thực tế sẽ gia tăng để bù đáp cho quãng thời gian bị hạn chế đi lại, qua đó đẩy mạnh chi tiêu trong nước.
Một ví dụ điển hình đã được chứng kiến ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vào mùa Hè năm 2020, khi các thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới đã xuất hiện trên các đường phố tại khu Ginza và Harajuku ở Tokyo.
Mặc dù ban đầu, việc họ mở các cửa hàng tại đây chỉ để phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020, song ngay cả khi sự kiện lớn này bị hoãn, các nhà bán lẻ quốc tế vẫn quyết định mở rộng đầu tư ra các thành phố ngoài trung tâm để tiếp cận lượng khách hàng đa dạng hơn, với những thị trường đầy hứa hẹn và có sức tăng trưởng đang được cải thiện.
4. Mua sắm tại nhà
Khi các biện pháp phong tỏa xã hội và hạn chế đi lại được nhiều quốc gia áp dụng, số lượng các nhà bán lẻ truyền thống chuyển sang mô hình kinh doanh trực tuyến và truyền phát trực tiếp (live-streaming) tăng vọt. Bài học kinh nghiệm cho các nhà bán lẻ là phải đưa thương hiệu tới tận nhà của từng người tiêu dùng.
Khi cả thế giới thích nghi với xu hướng làm việc tại nhà, các nhân viên bán hàng cũng đóng vai trò là người phân phối hàng hóa. Các thương hiệu trở nên cởi mở hơn, gạt bỏ các nguyên tắc và chính sách sang một bên, thay vào đó mở ra các kênh bán lẻ mới thông qua nhân viên của họ thông qua mạng xã hội nhờ việc duy trì kết nối với người tiêu dùng từ xa.
5. Thị trường dọc tiếp tục là xu hướng
Trong thời điểm mà người tiêu dùng bắt đầu ưa chuộng mua sắm các thương hiệu trong nước, các thương hiệu tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng đã đáp ứng được nhu cầu với doanh số và lượng truy cập tăng cao.
Các nền tảng bán lẻ trực tuyến như Carousell của Singapore và JioMart của Ấn Độ đã mở rộng các dịch vụ thương mại của họ không chỉ là một kênh bán lẻ mà còn tăng cường khả năng tiếp thị và hậu cần cho các doanh nghiệp. Tạo ra một thị trường dọc (bao gồm các doanh nghiệp và khách hàng tập trung trong một phân khúc thị trường cụ thể) sẽ tiếp tục trở thành một xu hướng phổ biến khi các nhà bán lẻ và thị trường bắt đầu mở rộng giải pháp của họ cho các thương hiệu khác đang tìm kiếm một cách thức nhanh chóng để tham gia thị trường./.
Theo TTXVN