Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP

Tháng 11, ở huyện Cao Lãnh là thời điểm nhà vườn thu hoạch xoài nghịch vụ để cung cấp cho thị trường. Hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Nhiều nhà vườn ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP
Nhiều nhà vườn ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP

Cấp mã số vùng trồng là giai đoạn rất quan trọng để có thể tiến đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, gắn chặt với quy trình sản xuất đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản hiện nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu xoài, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động trong việc đăng ký mã số vùng trồng và mở rộng diện tích đạt chứng nhận VietGAP. Đến nay, Đồng Tháp có 296 vùng trồng xoài với diện tích khoảng 8.300 ha được cấp mã số vùng trồng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang những thị trường như: Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Nga và Singapore… Từ đó đã góp phần đẩy mạnh việc hình thành và mở rộng vùng chuyên canh xoài.

Bên cạnh đó, hiện đã có 05 doanh nghiệp đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn tỉnh, 1 mã số đang hoạt động và 4 mã số đang chờ phê duyệt. Việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ được khuyến khích. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 486ha đạt chứng nhận VietGAP (33 cơ sở) và 2 ha đạt chứng nhận hữu cơ (Công ty TNHH Chú Chín).

Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương cho biết: Nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và các chất kích thích thì ngày nay, việc trồng xoài phải dựa vào quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu để có đầu ra ổn định.

Sở hữu vườn xoài rộng 1,5ha đang cho trái, ông Võ Hữu Hiền, xã viên HTX xoài Mỹ Xương cho biết, từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, gia đình ông đã giảm được khoảng 80% các loại phân thuốc hóa học. Trước đây thông thường mỗi vụ ông phải tốn từ 8 - 10 lần phun thuốc bảo vệ thực vật mà sản lượng chỉ đạt từ 15 - 16 tấn/ha thì hiện tại, chỉ cần 1 - 2 lần nhưng sản lượng lại đạt đến 20 tấn/ha. Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái để không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp và bán được giá cao. Xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg và luôn hút hàng, trong khi xoài không đạt chuẩn có khi không tiêu thụ được, nhất là ở thời điểm thu hoạch rộ.

Theo tính toán của những nhà vườn nơi đây, trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài cho thu hoạch khoảng 100 - 200kg, sau khi trừ hết các chi phí người trồng lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/vụ.

Nâng cao giá trị thương hiệu xoài Cao Lãnh

Nhằm xúc tiến thương mại, tiếp tục quảng bá thương hiệu xoài Đồng Tháp, đặc biệt là “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài cát chu Cao Lãnh” đến thị trường trong và ngoài nước…, Đồng Tháp thường xuyên tổ chức Lễ hội Xoài. Các hoạt động nổi bật được tổ chức có thể kể đến như: Triển lãm chuỗi ngành hàng xoài; kết nối giao thương sản phẩm xoài, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản Đồng Tháp; trao đổi giữa nông dân, hội quán trồng xoài với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xoài; tổ chức farmtrip, kết nối các tour du lịch đến các vùng trồng xoài, kết hợp quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Đồng Tháp…

Lễ hội xoài, quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh
Lễ hội xoài, quảng bá thương hiệu xoài Cao Lãnh

Từ đó tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài. Đây cũng là dịp giới thiệu hình ảnh sản phẩm đặc trưng, văn hóa ẩm thực Đồng Tháp đến với du khách; tạo cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu, thu hút các nhà đầu tư và du khách…

Ngày 26 tháng 11 năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 5849/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00078 cho sản phẩm xoài Cao Lãnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Tính chất, chất lượng đặc thù của xoài Cao Lãnh nêu trên có được là do mối quan hệ giữa điều kiện địa lý tự nhiên và kỹ thuật canh tác của các nhà vườn tại Cao Lãnh. Cao Lãnh có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nhiều ao, hồ lớn, đây cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đặc biệt, sự có mặt của sông Tiền, một con sông lớn của đồng bằng Sông Cửu Long đã tạo cho khu vực địa lý một tiểu khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp với cây xoài. 

Cũng bằng kinh nghiệm canh tác, ngoài vụ thuận, người dân Cao Lãnh có thể điều tiết được sản lượng xoài cung ứng trong năm nhờ kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ. Với vườn xoài trong giai đoạn cho trái ổn định, ngoài vụ thuận, tùy thuộc dự báo nhu cầu của thị trường mà các nhà vườn tại Cao Lãnh sẽ chọn một thời điểm để một số cây xoài ra hoa trái vụ.

Minh Anh