“Đây chắc chắn là một trong những giải pháp đột phá để Bộ KH&CN thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo, cũng như tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo, biến tri thức thành của cải, vật chất, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ KH&CN rất kỳ vọng vào sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học với tinh thần “doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; viện, trường là các chủ thể nghiên cứu mạnh”.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động SHTT, coi đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm giải quyết dứt điểm tồn đọng trong hoạt động xác lập, bảo hộ quyền SHTT trong thời gian tới.
Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Cục SHTT cần tiếp tục chủ động, tích cực tham gia đàm phán các nội dung về SHTT trong các hiệp định thương mại; bảo đảm thực thi nghiêm túc các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT ở các địa phương.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, trong thời gian qua, hoạt động SHTT ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ, ngành và địa phương.
Năm 2022, số lượng đơn nộp vào Cục SHTT tăng cao, trong đó đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 3,3% so với năm 2021; lượng văn bằng bảo hộ cấp ra tăng 8,3% so với năm 2021.
Kết quả giải quyết đơn đơn khiếu nại và đơn đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tăng 18%; số lượng đơn liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng 18%, kết quả xử lý các loại đơn sau cấp văn bằng bảo hộ tăng 4% so với năm 2021.
Ở cấp địa phương, các Sở KH&CN luôn là một địa chỉ tin cậy để giúp đỡ, tư vấn hướng dẫn, hỗ trợ về các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Năm 2022, đã có gần 4.000 lượt cá nhân, tổ chức được các Sở KH&CN tư vấn, hướng dẫn về sở hữu công nghiệp, trong đó có 3.505 lượt về nhãn hiệu, 135 lượt về kiểu dáng công nghiệp, 100 lượt về sáng chế và hàng trăm lượt về các đối tượng khác.
Trong năm 2022, đã có 38 tỉnh, thành phố ban hành 57 văn bản hỗ trợ chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới các hình thức khác nhau, 132 nhiệm vụ được các địa phương triển khai thực hiện với 118 sản phẩm đặc thù địa phương được bảo hộ, có 268 doanh nghiệp và 320 tổ chức tập thể được hỗ trợ, gần 19.000 lượt người được tập huấn, đào tạo về SHTT.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động nói chung vẫn còn chưa đồng đều và tại nhiều địa phương hoạt động này chưa phát huy tác dụng tương xứng với vị trí, vai trò của cơ quan quản lý, điều hành hoạt động SHTT.
Đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ..., ông Đinh Hữu Phí cho rằng, các Sở KH&CN cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành ở địa phương trong việc tham mưu, tổ chức triển khai chính sách, pháp luật về SHTT, hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động SHTT của mình, từ việc đăng ký, xác lập quyền SHTT cho đến khai thác, sử dụng và bảo vệ quyền SHTT. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện và hiệu quả hệ thống SHTT của Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững.
Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế Hồ Thắng đã đề xuất giải pháp phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương. Theo đó, bên cạnh hỗ trợ đảm bảo nguồn giống đầu vào, cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ giúp cải tiến quy trình sản xuất.
Ông Hồ Thắng cũng mong muốn ưu tiên áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chủ lực trên địa bàn.
Để hỗ trợ phát triển thương hiệu và nâng cao khả năng thương mại hóa, cần xây dựng chuẩn hóa hệ thống quy cách nhãn mác, tiêu chuẩn quy chuẩn chất lượng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài.
Minh Anh (t/h)