Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics, hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa hay đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế, thông qua việc làm đại lý cho các DN nước ngoài.
Theo thống kê của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), phần lớn các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics có quy mô vốn đăng ký nhỏ, lao động hạn chế.
Cụ thể, có tới 90% DN khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng, còn lại 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Không những vậy, có tới gần 70% DN logistics Việt Nam không có tài sản, chỉ 16% đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải; 4% đầu tư vào kho bãi, cảng,... còn lại phải thuê ngoài. Chính quy mô hạn chế là một trong những rào cản cho DN khi cung cấp chuỗi dịch vụ logistics hiệu quả, cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, chứ chưa nói đến thị trường khu vực và thế giới.
Mặt khác, điểm yếu của các DN Việt Nam còn nằm ở chi phí dịch vụ cao, chất lượng một số dịch vụ, tính chuyên nghiệp chưa đồng đều, hạn chế về kinh nghiệm, trình độ quản lý, cũng như khả năng áp dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động logistics quốc tế, đội ngũ lao động chưa được đào tạo bài bản (theo khảo sát, chỉ chiếm khoảng 5 đến 7% trong tổng số lao động đang làm việc trong lĩnh vực này).
Mặc dù, thời gian gần đây, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật điều chỉnh các hoạt động logistics, tuy nhiên vẫn chưa tạo được mối liên kết giữa các bộ, ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này phát triển. Hầu hết chiến lược, quy hoạch tổng thể về phát triển các dịch vụ logistics của Chính phủ mới dừng ở cấp chiến lược, tầm nhìn dài hạn, chưa có quy hoạch chi tiết.
Trước mắt, cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm giúp ngành logistics nói chung cũng như các DN nói riêng có được điều kiện thuận lợi nhất để phát triển và hội nhập thành công. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của ngành dịch vụ logisti Tập trung hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, tiến tới đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, cũng như hỗ trợ DN nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics…
Chí Công