THCLNgày 9/1 tại TP. Cần Thơ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics vùng ĐBSCL do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức.

Nâng cao nhận thức của xã hội về logistics - Hình 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thực trạng, vai trò và ý nghĩa của logistics đối với cả nước nói chung và vùng ĐSBCL đã được nhận định rõ ràng tại hội nghị. Logistics là một ngành kinh tế, dịch vụ được nhìn nhận trong một hệ thống, có tính đa ngành, đa lĩnh vực có sự liên kết vùng, kết nối các loại hình vận tải rất cao.

Từ chuyến thị sát cảng Cần Thơ sáng hôm qua, Phó Thủ tướng nêu ví dụ trong cùng một khu, cảng Cái Cui Vinalines có năng lực bốc xếp kém nhưng cảng Tân Cảng- Cái Cui cách đó 200 m thì hoạt động hiệu quả. “Nếu không tổ chức lại thì hết nhiệm kỳ cũng không xóa được khoảng cách 200 m này”, Phó Thủ tướng cảnh báo.

“Thêm vào đó, trung tâm kho lạnh của Trung tâm logistics Mekong (thuộc địa phận Hậu Giang) cách cảng Cần Thơ vài km hoạt động tốt, liệu có cần thiết phải đầu tư thêm cảng Hậu Giang? Và Cần Thơ cũng có cần phải xây dựng thêm 1 kho lạnh nữa không”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng các địa phương, doanh nghiệp cần phải liên kết để phát triển thay vì đầu tư phân tán, nhỏ lẻ.

Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, trách nhiệm của các bộ, địa phương, Hiệp hội và các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về logistics - ngành có khả năng đóng góp tỷ lệ 10% GDP vào năm 2020 và góp phần nâng cao cạnh tranh quốc gia.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, liêm chính, hành động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư. Trong đó hỗ trợ tối đa, tăng cường trao đổi, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có đầu tư kinh doanh logistics vào vùng ĐBSCL.

Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan để tiếp tục cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những điểm chồng chéo, chưa thống nhất; tiếp tục tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ logistics, khuyến khích và huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước phục vụ phát triển dịch vụ này.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, nhất là Bộ Công Thương và các địa phương tập trung triển khai kế hoạch hành động quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Công Thương trao đổi với các địa phương liên quan đẩy nhanh triển khai đầu tư trung tâm logistics tại vùng ĐBSCL theo quy hoạch.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của vùng về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics.

Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương liên quan rà soát, tập trung hoàn thiện quy hoạch hệ thống giao thông trong vùng ĐBSCL để đẩy mạnh lưu thông trong khu vực và kết nối với Campuchia; nghiên cứu, hoàn thiện quy chế về vận tải xuyên biên giới và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hình thức này.

Bộ KH&ĐT đưa lĩnh vực logistics vào danh mục ưu tiên kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực logistics trong khu vực.

PV