Báo cáo e-Conomy SEA 2021 công bố sáng 10/11 cho thấy, nền kinh tế Internet của Việt Nam dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030.
Cụ thể, trong báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á - "Tiếng Gầm Thập kỷ 20: Thập kỷ Kỹ thuật số Đông Nam Á" ra mắt bởi Google, Temasek và Bain & Company cho biết, năm nay, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái, dù thị trường du lịch trực tuyến đang thu hẹp và dự kiến tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.
Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai.
Trong phần mở đầu của báo cáo về các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đông Nam Á, một trong ba thương gia kỹ thuật số của Việt Nam tin rằng họ sẽ không thể sống sót sau đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, các dịch vụ tài chính Kỹ thuật số cũng đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số. Hơn nữa, 7 trong 10 doanh nghiệp kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số của họ trong 5 năm tới.
Báo cáo dự đoán rằng Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam đang bước vào "Thập kỷ Kỹ thuật số" khi Internet ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng. Khu vực này hiện có hơn 440 triệu người dùng Internet và quan trọng, 350 triệu trong số đó là người tiêu dùng kỹ thuật số, tức là người dùng Internet đã sử dụng ít nhất một dịch vụ trực tuyến.
Trúc Mai