Giá dầu thế giới giảm mạnh trong tuần qua, dù đã phục hồi phần nào trong phiên giao dịch 15/07 sau các thông tin, Mỹ hy vọng Saudi Arabia không ngay lập tức tăng sản lượng dầu.

Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tám tăng 1,81 USD, hay 1,9%, lên 97,59 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Chín tăng 2,06 USD, hay 2,1%, lên 101,16 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI giảm 6,9%, còn giá dầu Brent giảm 5,5%.

Hãng tin Reutersdẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, nước này không kỳ vọng Saudi Arabia sẽ tăng ngay sản lượng, thay vào đó là vào cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ diễn ra vào ngày 03/08 tới.

Giá 'vàng đen' tăng vọt khi EU 'đào thải' dầu Nga; OPEC, OPEC+ có thể xoa dịu thị trường?
Giá 'vàng đen' tăng vọt khi EU 'đào thải' dầu Nga; OPEC, OPEC+ có thể xoa dịu thị trường?

Trước đó trong tuần này, sau phiên 11/07 ít biến động, giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên 12/07 xuống các mức thấp nhất kể từ tháng Tư, dưới sức ép từ việc đồng USD mạnh và những lo ngại về triển vọng nhu cầu yếu hơn. Sau đó, giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch 13/07 nhưng lại giảm trở lại trong phiên sau đó do các nhà đầu tư tập trung vào triển vọng về một đợt tăng lãi suất lớn của Mỹ vào cuối tháng này, vốn có thể làm giảm nhu cầu dầu mỏ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng cường đối phó với lạm phát ở mức cao nhất trong hơn 40 năm và được dự báo sẽ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản trong tháng này sau khi báo cáo lạm phát tháng Sáu cho thấy áp lực giá đang gia tăng.

Cuộc họp chính sách của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/07 tới. John Kilduff, đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital LLC ở New York (Mỹ) cho biết, các động thái của Fed sẽ có tác động lớn đến thị trường.

Tại Châu Âu, các tín hiệu cũng cho thấy nhu cầu giảm với việc Ủy ban Châu Âu (EC) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và nâng tỷ lệ lạm phát dự kiến lên 7,6%. Trong khi đó, các nhà giao dịch tiếp tục lo lắng rằng việc ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách nhanh chóng sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.

Tác động của việc tăng trưởng nhu cầu thấp hơn đáng kể trong các kịch bản xảy ra suy thoái kinh tế sẽ khiến giá dầu Brent trung bình vào khoảng 90 USD/thùng trong một cuộc suy thoái nhẹ và 78 USD/thùng trong một kịch bản nghiêm trọng hơn.

Trong báo cáo hàng tháng được công bố hôm 13/07, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ cho năm 2022 và 2023, đồng thời cảnh báo về sự bất ổn liên quan đến triển vọng thị trường dầu mỏ. Đại diện Cơ quan này cho biết: “Triển vọng kinh tế vĩ mô xấu đi và lo ngại suy thoái đang đè nặng lên tâm lý thị trường, trong khi có những rủi ro về phía nguồn cung”.

EIA cũng đã hạ dự báo giá dầu WTI và Brent năm 2022. Theo EIA, giá dầu Brent giao ngay trung bình sẽ ở mức 104 USD/thùng trong năm 2022, giảm 3,1% so với mức dự báo đưa ra vào tháng Sáu và so với mức trung bình 71 USD/thùng trong năm 2021. Mức dự báo được đưa ra cho dầu WTI là 98,79 USD/thùng, giảm 3,6% so với dự báo trước.

Một yếu tố khác cũng gây áp lực lên giá dầu là đồng USD tăng giá so với rổ các đồng tiền khác và lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2002. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm giảm nhu cầu đối với dầu bằng cách khiến “vàng đen” trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Mặt khác, các thị trường vẫn còn hoang mang về kế hoạch của các nước phương Tây nhằm giới hạn giá dầu của Nga. Trước thông tin đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng những biện pháp trừng phạt tăng cường có thể dẫn đến hậu quả "thảm khốc" cho thị trường năng lượng toàn cầu.

Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) nhấn mạnh giới đầu tư đang lo sợ khả năng Nga ngừng cung cấp năng lượng cho phương Tây cũng như triển vọng về một cuộc suy thoái kinh tế.

Trong một nghiên cứu ngắn gửi tới khách hàng, JP Morgan cho hay kịch bản Nga giảm xuất khẩu dầu khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày là một mối đe dọa hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu rủi ro này trở thành hiện thực thì sẽ khiến giá dầu Brent tăng lên khoảng 190 USD/thùng.

Theo Báo Quốc tế