Phát biểu trước báo giới, ông Kirby quả quyết: “Không có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi về việc cung cấp năng lực tấn công tầm xa để Ukraine nhắm vào bên trong lãnh thổ Nga”.
Quan chức Nhà Trắng xác nhận sẽ không có thông báo quan trọng về chủ đề nêu trên sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer vào chiều 13/9 (giờ địa phương) tại Nhà Trắng.
Suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thuyết phục các đồng minh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa của phương Tây, bao gồm cả tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ và tên lửa Storm Shadows của Anh, để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Theo quan chức Nhà Trắng, Mỹ đang nghiêm túc xem xét lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, Moscow sẽ coi phương Tây là bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột ở Ukraine nếu Kiev tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất. Tuy nhiên, ông Kirby cho rằng, đây không phải là lập trường mới của nhà lãnh đạo Nga.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc (LHQ) Vassily Nebenzia ngày 13/9 tuyên bố, nếu các nước phương Tây cho phép Ukraine tiến hành những cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga thì các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau đó sẽ “tiến hành chiến tranh trực tiếp với Nga”.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Nga cảnh báo: “Sự thật là NATO sẽ trở thành bên trực tiếp tham gia các hành động thù địch chống lại một cường quốc hạt nhân, tôi cho rằng các bạn không nên quên điều này và hãy nghĩ đến những hậu quả”.
Theo Reuters