Một số quan chức và nhà phân tích phương Tây cho rằng, số liệu sản xuất quân sự của Nga không phản ánh đúng thực tế và chưa nêu ra những thách thức mà Moscow đang phải đối mặt như thiếu lao động.

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất xe tăng của Nga năm 2022. Ảnh: TASS
Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất xe tăng của Nga năm 2022. Ảnh: TASS

Họ nói thêm rằng, việc Nga tăng cường sản xuất vũ khí có thể sẽ không bền vững vì làm hao mòn nguồn lực của nền kinh tế và sự sụt giảm số lượng vũ khí có thể khiến Moscow phải tìm đến vũ khí từ các đối tác như Iran, Trung Quốc.  “Nga đã thành công trong việc tăng cường sản xuất trong nhiều lĩnh vực quốc phòng. Nhưng tôi không biết Nga sẽ duy trì tốc độ đó trong bao lâu”, Oscar Jonsson, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, cho biết.

Khả năng sản xuất vũ khí của Nga ngày càng trở nên quan trọng khi cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba và trong bối cảnh phương Tây chưa thể ngay lập tức tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, việc Nga có nhiều đạn pháo hơn đã tạo cơ hội cho nước này chiếm ưu thế trên chiến trường và tiến tới giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Avdiivka. Quan chức quân đội Ukraine từng chia sẻ rằng, trên khắp phần lớn chiến tuyến phía Đông, số đạn pháo Nga bắn ra nhiều gấp 7 lần Ukraine.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 02/2022, Mỹ và Châu Âu đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm gây khó khăn cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga. Đáp lại, Nga đã nhanh chóng tăng cường nguồn lực vào ngành công nghiệp vũ khí. Năm 2023, Nga dành 21% tổng chi tiêu liên bang vào lĩnh vực quốc phòng, tăng từ mức gần 14% vào năm 2020. Ngân sách liên bang năm 2024 của Nga yêu cầu tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng trong năm nay thậm chí còn lớn hơn, ở mức 29%.

Nga cũng nhanh chóng thích ứng với các lệnh trừng bằng cách tìm nguồn cung ứng các linh kiện như vi mạch và thiết bị viễn thông của phương Tây mà Moscow không thể mua trực tiếp qua các nước khác.

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Tass
Hệ thống phòng không S-400. Ảnh Tass.

Vào tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết, Nga đang sản xuất số lượng đạn dược gấp 17,5 lần, số lượng máy bay không người lái gấp 17 lần và số lượng xe tăng gấp 5,6 lần so với trước khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Các quan chức phương Tây cho biết, Nga cũng đã tăng cường sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác. Sản lượng đạn pháo tăng từ 400.000 viên vào năm 2021 lên 600.000 viên vào năm 2025, nhiều hơn tổng sản lượng của Mỹ và EU, tình báo quân sự Estonia ước tính.

Mark Riisik, Phó Giám đốc Cục Hoạch định Chính sách thuộc Bộ Quốc phòng Estonia, dự đoán, với sản lượng đạn pháo của Nga, với mức ước tính 2,5-5 triệu viên mỗi năm, Moscow có thể sản xuất hơn 4 triệu viên đạn pháo trong năm tới, chưa tính tới kho dự trữ với ít nhất hàng triệu viên đạn.

Theo một quan chức cấp cao của NATO, Nga có khả năng sản xuất vũ khí để duy trì hoạt động quân sự ở nước láng giềng từ 02-05 năm nữa với quy mô hiện tại. Hai cơ quan tình báo quân sự Châu Âu cũng cho rằng, Nga có thể sản xuất đủ vũ khí để tiếp tục chiến dịch quân sự trong vài năm nữa.

Các nhà hoạch định chiến lược phương Tây bất ngờ trước năng lực sản xuất vũ khí của Nga. Những khoản đầu tư lớn vào quốc phòng ở Nga khiến các quan chức phương Tây lo ngại, cho rằng NATO đã đánh giá thấp năng lực duy trì chiến dịch quân sự dài hạn của Moscow.

Theo VOV.vn