Kết thúc năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 31.200 tỷ đồng, bằng 96,36% so với dự toán và bằng 77,4% so với năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt khoảng 26.000 tỷ đồng bằng 95% so với dự toán pháp lệnh. Mặc dù chưa đạt kỳ vọng dự toán địa phương nhưng con số này vẫn được đánh giá là số thu ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các nguồn thu giảm, các chính sách tài khóa có nhiều thay đổi. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn nằm trong 8 địa phương có số thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước.
Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ vướng mắc, vướng mắc cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh và các ngành cũng tập trung hướng về cơ sở, tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, từ đó, tạo nguồn thu hợp lý, bền vững cho ngân sách Nhà nước.
Đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho biết, để tăng thu cho ngân sách địa phương, bên cạnh triển khai thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, trong công tác quản lý thuế, ngành Thuế tỉnh thường xuyên họp bàn, thống nhất các giải pháp chỉ đạo mang tính đột phá, phù hợp với từng tháng, từng địa phương, từng khoản thu, sắc thuế. Cục Thuế triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất, đưa các gói hỗ trợ này đi vào cuộc sống, tạo sức bật cho các doanh nghiệp. Mặt khác, Cục Thuế tăng cường thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra theo chuyên đề, tập trung vào một số ngành nghề, hoạt động có rủi ro, nguy cơ vi phạm cao. Trong năm, cơ quan thuế đã gia hạn thời gian nộp thuế cho người nộp thuế hơn 6.600 tỷ đồng, giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra hơn 1.000 tỷ đồng, giảm thuế bảo vệ môi trường hơn 250 tỷ đồng…
Cùng với đó, Cục Thuế đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo đảm tất cả doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế trực tuyến, xuất hóa đơn điện tử. Ngành Thuế tỉnh đã tiếp tục triển khai nhân rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; triển khai hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử, thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; chuyển đổi mã số thuế theo mã định danh cá nhân, triển khai ứng dụng eTax Mobile giúp người nộp thuế thay đổi thói quen thực hiện thủ tục hành chính thuế bằng phương thức điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý, phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, bảo đảm việc phân loại, giải quyết hoàn thuế nhanh chóng, chính xác, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong công tác hoàn thuế.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 100% doanh nghiệp đăng ký và nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet; 100% hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp và 90% hồ sơ hoàn thuế của cá nhân được thực hiện bằng phương thức điện tử. Hiện 100% doanh nghiệp đã hoàn thành việc đăng ký phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử; 100% các khoản nộp thuế về đất đai được thực hiện dưới hình thức thanh toán điện tử. Riêng năm 2023, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử ở mức độ 4 đạt 86%; triển khai xử lý 100% văn bản (trừ văn bản mật) bằng phương thức điện tử, trong đó, các văn bản đi đều được áp dụng chữ ký số tại Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế huyện, thành phố.
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 30.400 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt trên 25.000 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành Thuế tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là: Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chức năng, quy trình quản lý thuế, khai thác triệt để các nguồn thu, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chống thất thu thuế; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa ngành thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; tập trung rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế trong toàn ngành, tăng cường các biện pháp giải quyết dứt điểm nợ thuế; xây dựng kế hoạch cải cách hành chính, kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính thuế, xây dựng bản đồ số hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thuế.
Hà Trần (t/h)