Nga phá trận Syria, tạo lập trật tự mới tại Trung Đông - Hình 1

Chiến đấu cơ tối tân Su-35S Nga tham chiến tại Syria

Với việc Abu Kamal, thành phố cuối cùng của Syria bị IS kiểm soát nằm gần biên giới Iraq được giải phóng, quân đội Syria và đồng minh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ loại bỏ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo cùng sự kiểm soát của chúng đối với các thành phố của Syria. IS trở lại hình thái ban đầu là một tổ chức khủng bố không có quyền kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ hay thành phố nào từng được chúng xưng là thủ phủ.

Đây là những ngày quan trọng khi các hội nghị chính trị bàn về tương lai của khu vực và Syria đang diễn ra từ Sochi đến Cairo và cả ở Riyadh. Tại Sochi, ông Assad đã gặp Tổng thống Putin để củng cố liên minh và sự ủng hộ bền vững của Matxcơva đối với chính quyền Syria, đồng thời tập trung vào tìm kiếm một giải pháp chính trị. Tổng thống Nga và Syria đã nhất trí về số lượng các nhóm đối lập lớn nhất có thể trong tiến trình cải cách. Về vấn đề này, cuộc gặp giữa các tổng thống Rouhani, Erdogan và Putin cũng nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp toàn diện cho tất cả các bên đã đồng ý bỏ vũ khí và tham gia vào các cuộc đàm phán với chính phủ hợp pháp tại Damascus.

Thổ Nhĩ Kỳ là nước gắn kết hàng ngũ của cái gọi là phe đối lập hợp pháp, và các động thái của ông Erdogan đã xác nhận rằng chiến lược của ông ở khu vực dựa trên sự chuyển hướng sang Nga thông qua hợp tác chính thức với Matxcơva. Chuyên gia Pieraccini đánh giá đây là một thắng lợi ngoại giao gần như chưa từng có đối với Nga khi nước này chỉ trong 2 năm đã biến đổi một đối thủ tiềm lực thành một trong những quốc gia bảo trợ chính cho tiến trình hòa bình ở Syria.

Trong lúc đó, Riyadh tập hợp các nhóm đối lập quá khích rất gần với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, một kiểu nhánh phụ tách ra từ Al Nusra (Al Qaeda) và Daesh (tức IS), và cố gắng áp dụng những cải cách nhằm đổi mới tên tuổi cho các nhóm này. Điều quan trọng là cần lưu ý rằng các cuộc gặp gần đây giữa Quốc vương Salman và Tổng thống Putin dường như đã mở ra một số cuộc đối thoại với đại diện của Matxcơva có mặt tại hội nghị ở Riyadh.

Đầu tiên, ông Erdogan và sau đó là Quốc vương Salman và con trai Mohammad bin Salman (MBS), dường như đã hiểu rằng thất bại quân sự ở Syria là điều không thể tránh khỏi. Và những diễn biến mới nhất có liên quan đến hậu quả do thất bại của lực lượng khủng bố gây ra. Thổ Nhĩ Kỳ nhận được nhiều lợi ích nhờ liên minh với Matxcơva, cả về mặt năng lượng lẫn giao thông dọc tuyến đường Đông Tây của Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc (BRI), và dọc hành lang Bắc-Nam có trong thỏa thuận giữa Nga, Iran, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, các máy bay Nga đã bay qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới Syria. Một nước thành viên NATO lại cho phép máy bay quân sự của Nga bay qua không phận của mình để tới Syria là điều mà cách đây không lâu không thể tưởng tượng nổi.

Với Ả Rập Xê-út, tình hình lại khác. Trong khi cuộc gặp giữa Quốc vương Salman và ông Putin đại diện cho một điều hoàn toàn mới lạ, việc MBS gần đây khẳng định ông có ý định chống lại sự nổi lên của Iran gây ảnh hưởng đến khả năng ổn định khu vực.

Kết quả cuộc chiến ở Syria đã tạo ra một Trung Đông mới, nơi mà những thế lực như Riyadh, Tel Aviv và Washington, trước đây là bá chủ khu vực, nay lại ít nhiều có vẻ bị tách biệt khỏi quá trình ra quyết định một cách cố ý. Theo ông Pieraccini, mặc dù có thể lập luận rằng Washington đã chấm dứt vai trò của mình trong khu vực với sự thất bại của IS, nhờ chính sách "nước Mỹ trước tiên" của ông Trump chống lại sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào các cuộc xung đột, Riyadh và Tel Aviv dường như không có ý định chấp nhận vai trò mới của Tehran trong khu vực. Ngay cả khi Iran được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hỗ trợ về ngoại giao và thậm chí cả quân sự.

Cuộc xâm lược chống lại nhà nước Syria lúc ban đầu là do một mặt trận hiệp ước bao gồm Mỹ, Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Jordan, Israel, Pháp và Vương quốc Anh tiến hành. Tất cả đều là những nước đi đầu trong việc trang bị vũ khí, huấn luyện, tài trợ, giúp đỡ và điều trị cho những kẻ bị thương trong số hàng chục nghìn phần tử khủng bố được gửi đến Syria. Đó là hoạt động gây mất ổn định với một vài tiền lệ trong lịch sử. Năm 2014, lúc sức mạnh của IS ở đỉnh cao, vị trí của ông Assad có vẻ chao đảo.

Theo ý định của các nhà hoạch định khủng bố phương Tây, ông Assad sẽ bị lật đổ trong vòng 12 tháng đầu của cuộc xung đột. Hạn chế là NATO và đồng minh không thể trực tiếp can thiệp vào một nước giống như Libya vì một số lý do. Trước hết là Syria sở hữu một hệ thống phòng không khá mạnh, cũng như Mỹ không đủ khả năng để giải quyết chi phí tài chính và nhân lực cho một cuộc xung đột khác trong khu vực, với sự leo thang không thể tránh khỏi sẽ xảy ra sau sự tham gia của Iran.

Sau thất bại trong việc loại bỏ Assad, bước đi tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách phương Tây là sử dụng IS để tạo ra sự hỗn loạn và phá hủy đất nước Syria, lực lượng tàn bạo này ra đời là do sự chiếm đóng bất hợp pháp của Mỹ tại Iraq.

Sự can thiệp của Nga vào Syria năm 2015, theo lời mời của chính phủ hợp pháp ở Damascus, đã phá vỡ các kế hoạch của phương Tây, gây ra thất bại không thể tránh khỏi của IS và củng cố quyền lực của Assad. Hai sự kiện xảy ra giữa lúc có sự can thiệp của Nga và những nỗ lực chia cắt Syria bằng cách sử dụng Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã khẳng định rằng trục Iran-Syria-Nga đã được định sẵn để chiếm ưu thế trong cuộc xung đột.

Nga phá trận Syria, tạo lập trật tự mới tại Trung Đông - Hình 2

Tổng thống Putin đón quốc vương A rập Xê út tại Điện Kremlin trong chuyến thăm khiến thế giới sửng sốt

Đầu tiên là sự kiện ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Gạt sang một bên tất cả những tiêu cực liên quan đến nhiệm kỳ tổng thống của ông, chiến thắng của ông Trump đã đảm bảo rằng không có sự can thiệp trực tiếp của Mỹ vào Syria chống lại Assad và Nga. Điều này trái ngược với những gì phái diều hâu Mỹ đã chuẩn bị gây ra một cuộc xung đột khu vực giữa các cường quốc bằng cách ra lệnh bắn hạ các máy bay của Nga ở Syria, từ đó có khả năng khởi động Thế Chiến III, nhà báo Pieraccini bình luận.

Một sự kiện khác làm đảo lộn cán cân quyền lực trong khu vực có liên quan đến các sự kiện đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 năm qua. Cả cuộc đảo chính thất bại và vụ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga đều giữ vai trò quan trọng. Bước ngoặt quyết định đã đạt được với việc SAA giành lại Aleppo, điều này cho thấy thất bại quân sự rõ ràng của phe đối lập muốn lật đổ Assad.

Ông Erdogan phải đối mặt với một lựa chọn không thể tránh khỏi: hỗ trợ những phần tử khủng bố và phải đối phó với một khu vực người Kurd ở biên giới Syria; hay đạt được một giải pháp hòa bình với Nga để ngăn chặn mối đe dọa từ người Kurd và đảm bảo tính toàn vẹn của Syria.

Nga phá trận Syria, tạo lập trật tự mới tại Trung Đông - Hình 3

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (ảnh: Time Magazine)

Ông Erdogan đã nhận được phần thưởng nhờ lựa chọn theo phe của Nga và Iran. Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vị thế thuận lợi hơn thời điểm 2 năm trước, ông Erdogan bây giờ có thể ảnh hưởng đến kết cục của nhiều sự kiện ở Trung Đông, cũng như tập trung vào lợi ích quốc gia, đặc biệt vào vấn đề người Kurd. Sự thất bại của kế hoạch chia cắt Syria, liên quan đến những nỗ lực tột bậc để tuyên bố nền độc lập người Kurd ở Iraq, chỉ dẫn đến chấm dứt sự cai trị của ông Barzani.

Những thế lực bảo thủ đã cam kết thay đổi chế độ ở Damascus, chẳng hạn như liên minh quốc tế do quân đội và tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ dẫn đầu, đã tìm mọi cách để phá hoại cuộc chiến chống IS của SAA dọc theo sông Euphrates. Ả Rập Xê-út thậm chí đã mạo hiểm ủng hộ trực tiếp các phong trào của người Kurd ở Iraq. Trong khi Israel là nước duy nhất công khai ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của người Kurd.

Chiến lược này đã thất bại do sự chống đối của Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, cùng với sự hỗ trợ quân sự của Nga đã củng cố mặt trận chống lại Ả Rập Xê-út - Nhóm tân bảo thủ - Nhóm tân tự do. Trong lúc diễn ra một loạt thay đổi và biến động này, mặt trận chống Assad đã tìm cách cô lập ngay cả một quốc gia như Qatar, có mối liên hệ rõ ràng với Tổ chức Anh em Hồi giáo và bộ phận tân tự do trong tổ chức của Mỹ. Mặc dù thông tin tuyên truyền chống Assad vẫn tiếp tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước như Al Jazeera, song các kết quả cụ thể lại bằng không. Hơn nữa, Qatar, sau cuộc khủng hoảng Ả Rập Xê-út, đã cố gắng mở rộng lập trường địa chính trị, tiếp xúc trực tiếp với Matxcơva (gia tộc Al Thani và điện Kremlin đã có nhiều liên lạc) và Iran, một kẻ thù lịch sử của Riyadh.

Thành phần của liên minh chống Assad ở châu Âu đang lung lay hoàn toàn. Ở Pháp, ông Macron đang tiến hành dàn xếp vấn đề giữa MBS (tên viết tắt của thái tử A rập Xê út) và Hariri (thủ tướng Lebanon) trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các thảm họa chính trị Ả Rập Xê-út - Israel gây ra nguy cơ đẩy Lebanon hoàn toàn rơi vào phạm vi ảnh hưởng của Iran. Ở Đức, bà Merkel đang phải trải qua một làn sóng các thách thức phổ biến về các phong trào chủ quyền quốc gia đối đầu với những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, trong khi các cuộc bầu cử mới sắp xảy ra. Ở Anh, hậu quả và ảnh hưởng của Brexit vẫn hiện hữu, với một chính phủ không ổn định và hàng loạt cuộc đàm phán khó khăn với Liên minh châu Âu.

Vì vậy, dường như không còn thời gian hay nguồn lực nào sẵn có để đầu tư cho Syria. Việc xuyên tạc sự thật vẫn được tiếp diễn nhờ các phương tiện truyền thông chính thống thuộc về tầng lớp tân tự do trên toàn thế giới, như CNN, Al Jazeera và Washington Post. Ngoài những lời nói dối thường thấy trên truyền hình và báo chí, người châu Âu và người Mỹ ngày nay không có công cụ nào khác để sử dụng.

Ông Trump có vẻ hài lòng vì có thể trở về Mỹ sau chuyến công du Châu Á cùng với hàng trăm tỷ USD chắc chắn lấy được từ các đồng minh, trong khi không bị lôi kéo vào kiểu chiến tranh liên miên mà ngay cả Ả Rập Xê-út cũng không thể chống đỡ, như trong cuộc chiến ở Yemen và hành động chống lại Qatar. Chính quyền Trump có nhiều vết nhơ cũng như sự thù hận sâu sắc đối với Iran, nhưng nó không có khả năng hay ý định hỗ trợ Israel và Ả Rập Xê-út trong nỗ lực của 2 nước này nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran bằng vũ lực. Ngay cả các lực lượng quân sự phối hợp giữa Israel và Ả Rập Xê-út cũng không thể đe dọa Hezbollah chứ đừng nói đến Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Theo ông Pieraccini, những gì chúng ta thấy là một Trung Đông đang cố gắng khôi phục lại một trật tự khu vực có tính thiết thực. Các cuộc họp ở Sochi giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran diễn ra với mục tiêu đạt được điều này. Trong trường hợp này, sự vắng mặt của Washington là điều đáng chú ý, bất chấp những nỗ lực của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura nhằm phục hồi một hội nghị Geneva đang tê liệt.

Nga và đồng minh, sau khi áp dụng sáng kiến quân sự, sẵn sàng hướng dẫn các cuộc đàm phán ngoại giao giữa chính phủ Assad và các lực lượng đối lập, được tổ chức dưới sự bảo trợ của ba nước họp mặt ở Sochi, cùng với sự tham gia của Liên hợp quốc trong vai trò người bảo trợ hơn là người quyết định. Những việc này được điều khiển bởi các ông Assad, Putin, Erdogan và Rouhani, tuy nhiên thực tế mới mẻ này sẽ không bao giờ được MBS, Netanyahu, chính phủ các nước Châu Âu và thế lực ngầm ở Mỹ (nhóm tân bảo thủ/tân tự do) chấp nhận.

 Nga phá trận Syria, tạo lập trật tự mới tại Trung Đông - Hình 4

Dàn chiến đấu cơ của Nga tham gia chiến dịch chống khủng bố tại Syria

Các hành động trong nước của MBS, cùng với lời đe dọa Iran và Hezbollah của ông Netanyahu, cho thấy sự từ chối thừa nhận thất bại cũng như một nỗ lực tột bực để tránh mất quyền kiểm soát đất nước trong trường hợp của MBS. Với Israel, vấn đề phức tạp hơn thế. Năm 2006, Israel đã không thể đánh bại Hezbollah, và giờ đây Hezbollah đã phát triển hơn, được huấn luyện tốt hơn, và có nhiều khả năng gây tổn hại tới Nhà nước Do Thái hơn.

Các chỉ huy quân sự của Ả Rập Xê-út và Israel biết rất rõ rằng họ không có khả năng đánh bại Iran hoặc Hezbollah và chỉ có sự tham gia trực tiếp của Washington mới có thể thay đổi tiến trình diễn biến các sự kiện. Tuy nhiên, giả thuyết này cũng phải tính đến sự thật đang diễn ra, đó là Matxcơva hiện đã liên minh với Tehran và ông Trump phản đối bất kỳ cuộc chiến tranh mới nào liên quan đến Mỹ. Trong khi các lực lượng chống Assad rơi vào cảnh hỗn loạn, MBS tiếp tục việc bắt giữ bất cứ ai phản đối mình, đồng thời lấy lại các khoản tiền đổ vào chiến tranh trong bối cảnh sụt giảm giá dầu.

Trật tự mới ở Trung Đông xảy ra đồng thời với thời điểm sắp kết thúc cuộc xung đột ở Syria và ý định tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột bằng cách làm hài lòng tất cả các bên. Ông Pieraccini cho rằng đó là một giải pháp ngày càng thành công, đặc biệt là khi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ mặt trận chống Assad. Matxcơva đang dần dần thay thế Mỹ trở thành một điểm tựa ở trong và ngoài khu vực, giải quyết các mâu thuẫn, đi kèm với việc rút đi ảnh hưởng quân sự và kinh tế của Mỹ trong khu vực.

Một lần nữa, đồng minh chiến lược Iran - Nga lại giành chiến thắng, kế thừa và giải quyết một trong những cuộc xung đột phức tạp nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc.

Hồng Nhung - VietTimes