Theo bà Zakharova, Nga "đã nhận được tài liệu từ các nhân viên Ukraine làm việc trong các phòng thí nghiệm sinh học này về việc tiêu hủy khẩn cấp các mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm, bao gồm bệnh dịch hạch, bệnh than, bệnh tả và các bệnh chết người khác vào ngày 24/02”.
Cũng trong ngày 09/03, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, vấn đề này vô cùng hệ trọng và cả thế giới đều muốn biết mục đích của các phòng thí nghiệm này.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Mỹ đã chi hơn 200 triệu USD để duy trì hoạt động của các phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraine đồng thời cảnh báo, Moscow không loại trừ việc khởi động cơ chế tham vấn theo Công ước Cấm vũ khí sinh học và độc tố (BTWC).
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nulandcho sau đó thừa nhận: "Ukraine có các cơ sở nghiên cứu sinh học" và lo ngại quân đội Nga "có thể đang cố kiểm soát" các cơ sở này. Vì vậy, Washington đang phối hợp với phía Ukraine để ngăn chặn việc rò rỉ bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào.
Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki bác bỏ cáo buộc của Nga về việc Mỹ tham gia các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học và phát triển vũ khí hóa học ở Ukraine.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định, nước này không tham gia vào việc phát triển vũ khí sinh học: "Tất cả cơ sở thí nghiệm ở Ukraine thực hiện một chức năng chung duy nhất - chỉ dẫn và xác định các mầm bệnh truyền nhiễm có khả năng gây dịch bệnh lớn hoặc có tầm quan trọng quốc tế và tuân theo quy định của luật pháp y tế quốc tế”.
Theo Báo Quốc tế