THCL Đó là một trong những nội dung quan trọng trong công văn số 3672/BKHCN-SHTT do Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Các Tập đoàn, Tổng công ty; Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề nhằm đề xuất các dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ để tuyển chọn, phê duyệt thực hiện từ năm 2017.
Ảnh minh họa
Công văn nêu rõ: Thi hành Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các quý đơn vị căn cứ vào nội dung Chương trình và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình đề xuất các dự án để tuyển chọn cho thực hiện từ năm tài chính 2017, cụ thể như sau:
1. Phù hợp với mục tiêu và nội dung Chương trình quy định tại Điều 1 Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Ưu tiên đề xuất loại dự án liên quan đến các nội dung sau đây:
- Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ;
- Bảo hộ, áp dụng sáng chế của Việt Nam đang được bảo hộ vào thực tiễn. Áp dụng sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ hoặc hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam;
- Xây dựng và vận hành bộ phận sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp;
- Bảo hộ, khai thác, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; định giá, kiểm toán tài sản trí tuệ;
- Triển khai các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép đối tượng sở hữu trí tuệ. Tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
3. Việc đề xuất dự án được thực hiện theo biểu mẫu kèm theo Công văn này và gửi trước ngày 18/9/2016 về địa chỉ: Cục Sở hữu trí tuệ 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ĐT: 04.35571843; 04.38583069 (198,222); Fax: 04.35575064 Email: tthotrotuvan@noip.gov.vn
4. Trong quá trình xây dựng đề xuất dự án, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, đề nghị các đơn vị chủ động liên hệ hoặc đề xuất lịch làm việc chính thức với đơn vị chức năng của Bộ (Cục Sở hữu trí tuệ) để được tư vấn, hướng dẫn.
Qua 5 năm thực hiện, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp, công nghệ; áp dụng thực tiễn cho 11 sáng chế, giải pháp công nghệ; quản lý và vận hành hoạt động sở hữu trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ cho 09 Trường đại học, viện nghiên cứu; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 109 đặc sản địa phương mang địa danh; thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ cộng đồng; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số phát sóng; kết quả và hiệu quả triển khai của Chương trình đã tạo ra động lực và căn cứ thực tiễn để 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ riêng của địa phương mình bên cạnh Chương trình của Chính phủ.
Mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2016-2020 là đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về SHTT cho khoảng 1.000 người; Hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho ít nhất 50 sáng chế/giải pháp hữu ích của Việt Nam; Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền SHTT cho ít nhất 70 sản phẩm đặc thù của địa phương; Hỗ trợ ít nhất 100 doanh nghiệp, tổ chức KH&CN trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước đối với các sản phẩm quốc gia.
Theo đó, 4 nội dung chính được đặt ra là: Nâng cao nhận thức, năng lực tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ; Hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn.
Gia Linh