Theo phản ánh báo chí, do vận chuyển hàng tại cửa khẩu cho thu nhập cao hơn, nên một số đối tượng đã sang Trung Quốc “gánh” lợn qua suối về cho các đầu nậu buôn lậu. Ngoài lợn hơi, các loại thịt lợn xẻ mảnh, nội tạng, mỡ lợn… cũng được đội ngũ chở hàng thuê này “cõng” về, khiến tình hình buôn lậu thịt lợn từ Trung Quốc về Việt Nam luôn diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, dọc Quốc lộ 18C, khu vực vành đai biên giới từ cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) đến cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và lối mở Pò Hèn – Thán Sản (xã Hải Sơn, TP.Móng Cái), có nhiều điểm tập kết lợn thịt, lợn giống không rõ nguồn gốc. Ngoài lợn thịt, lợn giống, thì thịt lợn đã xẻ mảnh và các phụ phẩm cũng được vận chuyển về Việt Nam để bán hưởng chênh lệch.
Thịt lợn nhập lậu từ Trung Quốc bị lực lượng biên phòng Quảng Ninh phát hiện (Ảnh: TH)
Để thực nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Thường trực đề nghị BCĐ 389 tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các lực lượng chức năng có biện pháp ngăn chặn cụ thể trong kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn việc vận chuyển trái phép lợn và thịt lợn từ Trung Quốc qua biên giới vào Việt Nam
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký công điện về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp như nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở, ngành liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) và Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các Bộ, ngành tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam. Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để có giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường trong nước; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép.
Chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, theo dõi nắm tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép; có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, đồng thời tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng tổ chức đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý nội bộ; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
Ngày 12/9, tại Quảng Ninh, 300 kg thịt lợn không rõ nguồn gốc đang trên đường vận chuyển từ biên giới vào nội địa tiêu thụ đã bị các cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện, bắt giữ trên Quốc lộ 18B, đoạn qua huyện Hải Hà. Để tránh tình trạng dịch tả lợn lây lan vào nội địa, tất cả số thịt này đã bị xử lý và tiêu hủy ngay tại chỗ.
Nếu có bất cứ thông tin về hàng giả, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ: Ban 389 - Báo Thương hiệu & Công luận. Tòa Soạn: số 12 - Tập thể Bộ Tư pháp, P. Quan Hoa - Q.Cầu Giấy -Hà Nội. Hotline: 0973.269.389 Email: chuyendong389.thcl@gmail.com
Theo BCĐ389