Ngày 24/12, Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) kiểm tra đột xuất một cơ sở chế biến chân gà trên địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện tại cơ sở này có gần 2 tấn chân gà, trong đó có 1,2 tấn là hàng có nguồn gốc, còn hơn 700kg chân gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã bốc mùi hôi thối. Chân gà được đổ đống la liệt ra đất, đựng bằng các xô chậu đã mốc đen, cáu bẩn.

Chủ cơ sở cho biết vì giá rất rẻ, cho nên đã thu mua số chân gà bốc mùi này về trà trộn trong quá trình chế biến để bán ra thị trường, kiếm lời. Theo lực lượng chức năng huyện Đông Anh, cơ sở còn vi phạm nhiều quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến.

Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ..

Trước đó, ngày 14/12, Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Thành phố Hà Nội) cũng phát hiện và tạm giữ 1 tấn nầm lợn và 0,8 tấn tràng trứng gà không có hóa đơn chứng từ, không đủ điều kiện làm thực phẩm cho người tại phố Xuân La (quận Tây Hồ). Ngày 12/12, Đội Quản lý thị trường số 7 tiến hành kiểm tra và tạm giữ 510 lít rượu thủ công không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại cơ sở kinh doanh rượu thủ công ở Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì). Vào đầu tháng 12/2022, lực lượng chức năng đã kiểm tra, tạm giữ gần 1,2 tấn ức vịt và cánh gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một hộ kinh doanh ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

Có thể thấy, số lượng thực phẩm “bẩn” vẫn đang lưu hành khá phổ biến trên thị trường. Nhiều sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Tem nhãn trên nhiều lô hàng cho thấy đã hết hạn 1 năm, thậm chí 2 năm. Bên cạnh đó, hiện trên thị trường cũng có lượng lớn rượu được nấu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp lễ, Tết để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đang tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, tập kết, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ…

Trong đó, tập trung vào các mặt hàng có sức tiêu thụ cao trong thời điểm này như thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm nhập lậu; bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá…

Cục cũng phối hợp kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại địa bàn các quận, huyện và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt

PV (t/h)