Sáng 18/05, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Lý giải cụ thể hơn, Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết đưa ra 05 nhóm giải pháp, với tổng kinh phí khoảng chừng 347.000 tỷ (chúng ta hay nói số tròn là 350.000 tỷ). Dành 38,4 nghìn tỷ cho tín dụng chính sách.

Trong gói hỗ trợ chung, chúng ta dành 38,4 nghìn tỷ cho tín dụng chính sách với 05 chương trình giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện. Hiện nay, cả 05 chính sách này Chính phủ đã xây dựng xong các quy định, không còn vướng gì cả.

Ảnh VGP/Quang Thương
Ảnh VGP/Quang Thương.

Riêng đối với việc triển khai Nghị định 28 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (1 trong 5 chương trình tín dụng chính sách) thì đang chờ Thông tư của Ủy ban Dân tộc và hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế ban hành văn bản, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng ngay đề án để huy động vốn trái phiếu của Ngân hàng Chính sách mà Chính phủ bảo lãnh.

Phó Thủ tướng cho biết, đối với việc huy động vốn trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, vừa qua chúng ta cũng làm rất nhanh. Chỉ trong vòng một tháng (tháng 04/2022) chúng ta đã huy động được 2.600 tỷ để triển khai thực hiện 04 chương trình (còn 01 chương trình đang chờ hoàn thiện văn bản như nêu ở phần trên).

Đối với Ngân hàng Chính sách, tổng số tiền triển khai khoảng 38.400 tỷ với 05 chương trình. Hiện nay, chúng ta đã quy định cơ chế chính sách đối với 04 chương trình. Còn lại là chương trình cho vay ưu đãi để phát triển chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm ban hành văn bản hướng dẫn, qua đó tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ, nhanh chóng triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng lưu ý trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các bộ ngành, địa phương phản ánh kịp thời để có biện pháp tháo gỡ để chính sách đi vào cuộc sống.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả này có được là do có sự nỗ lực của cả hệ thống, từ sự chỉ đạo của Trung ương, tới Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các bộ ngành, địa phương.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng biểu dương Ngân hàng Chính sách xã hội đã vào cuộc rất chủ động phối hợp với các bộ, ngành để triển khai Nghị quyết 11 hiệu quả. "Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, cùng ngày Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành kế hoạch 933 và tổ chức hội nghị triển khai thực hiện. Tôi đánh giá rất cao, rất ấn tượng với sự chủ động của các đồng chí".

Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tới nay sau 03 tháng, vừa làm vừa giải ngân, vừa làm vừa bố trí vốn, dù rất áp lực về mặt thời gian nhưng đến hôm nay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 04 chương trình tổng số 2319 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ việc làm, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học trực tuyến, cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…

"Đây là con số rất mừng, rất có nghĩa. Các đồng chí đã rất cố gắng, linh hoạt, sáng tạo mới có kết quả như vậy", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định đảm bảo công khai, minh bạch, tránh để xảy ra sai sót, trục lợi. Ảnh VGP/Quang Thương
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định đảm bảo công khai, minh bạch, tránh để xảy ra sai sót, trục lợi. Ảnh VGP/Quang Thương.

Về các giải pháp giải ngân trong thời gian tới, bày tỏ đồng tình với báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, ý kiến của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh 02 việc.

Thứ nhất, Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm có hướng dẫn ưu đãi đối với cái chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Bộ Tài chính là phải nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trên 6%.

Thứ hai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Chính sách triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.

Phó Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Chính sách xã hội phải triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị là cấp ủy và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ rồi thì tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai các chính sách an sinh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đoàn Đại biểu quốc hội các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đảm bảo việc thực thi chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đặc biệt là các chính sách cho vay ưu đãi đến các cấp, các ngành và nhân dân biết và thực hiện, giám sát.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là chương trình hết sức quan trọng, có ý nghĩa, với sự quan tâm và trách nhiệm cao của các bộ ngành, địa phương và kinh nghiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện tốt mục tiêu như kỳ vọng của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

C.H.V (t/h)