Dự kiến 06 tháng cuối năm nay, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục được cải thiện ở tất cả lĩnh vực. Nhu cầu vốn tín dụng của khách hàng doanh nghiệp vẫn cao và nhu cầu tín dụng "phục vụ đời sống và tiêu dùng" được nhiều tổ chức tín dụng dự báo tăng cao nhất trong năm nay.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

"Đầu tư vận tải kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở và công nghiệp chế biến chế tạo" là 4 lĩnh vực có số lượng tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu tín dụng tăng cao nhất.

Theo kết quả điều tra, các tổ chức tín dụng cho biết đã nỗ lực thu hẹp chênh lệch lãi suất biên và phí phi lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng tiếp tục giữ nguyên hoặc có xu hướng "thắt chặt nhẹ" các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể để bảo đảm chất lượng tín dụng.

Diễn biến lãi suất và thị trường bất động sản được xem là những nhân tố chính có thể dẫn tới sự sụt giảm của nhu cầu tín dụng của khách hàng trong năm 2022. Thực tế, những chính sách kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản, đặc biệt lĩnh vực đầu cơ, lướt sóng, phân khúc bất động sản có rủi ro cao… đã tác động đáng kể tới thị trường bất động sản thời gian qua.

Trong 06 tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại dự kiến sẽ tiếp tục "thắt chặt" nhẹ các điều khoản và điều kiện cho vay khách hàng doanh nghiệp, cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản" nhưng nới lỏng hơn đối với cho vay sản xuất, kinh doanh.

Đối với khách hàng cá nhân, các điều kiện và điều khoản cho vay được nới lỏng hơn đối với cho vay tiêu dùng, mua bất động sản để ở, trong khi thắt chặt đối với sử dụng thẻ tín dụng…

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt tới 9,35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,51%. Nhu cầu vốn tín dụng của các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vẫn ở mức cao trong bối cảnh kinh tế khởi sắc.

Lê Pháp (t/h)