Thu 1,7 triệu tỷ, chi cho bộ máy tới 1 triệu tỷ: Ngân sách gồng mình nuôi bộ máy
Thu 1,7 triệu tỷ, chi cho bộ máy tới 1 triệu tỷ, ngân sách phải gồng mình nuôi bộ máy

Theo báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 (là kỳ ngân sách gần nhất được Quốc hội quyết toán), số thu ngân sách năm 2022 là hơn 1,82 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, chi ngân sách là 1,75 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, phần lớn số chi ngân sách cũng dành cho chi thường xuyên. Cụ thể, chi thường xuyên năm 2022 lên tới 1,03 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 59% tổng chi ngân sách.

Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhiều năm gần đây, số chi thường xuyên luôn ở mức trên dưới 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 60-65% tổng chi ngân sách. Phần tiền còn lại dành cho chi đầu tư phát triển, chi trả nợ gốc và lãi. 

Chi thường xuyên liên tục tăng theo từng năm gây sức ép lớn lên ngân sách nhà nước. Chi thường xuyên cao phản ánh quy mô lớn và hoạt động tốn kém của bộ máy hành chính, các tổ chức chính trị - xã hội.

Tại phiên thảo luận tổ Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu việc hiện ngân sách đang chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.

"Đất nước muốn phát triển được, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Còn lại 30% thì tiền đâu để quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Trong khi các nước khác chi có hơn 40%. Ít nhất phải chi được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... Nguyên về việc này, chúng ta so sánh thôi đã vô cùng sốt ruột", Tổng Bí thư nêu thêm.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp thứ nhất (ngày 19.11.2024) của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp thứ nhất (ngày 19/11/2024) của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư cũng lý giải thêm nguyên nhân khó tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy "khổng lồ" sẽ dẫn đến chi ngân sách có thể lên đến 80 - 90%, không còn tiền để làm các hoạt động khác.

"Phải tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho hay những đánh giá của Tổng Bí thư hoàn toàn đúng. Ông nói thực tế từ Đại hội XII, nghị quyết của trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, phải tinh gọn.

Nhiều nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã nói. Song hiện nay, theo ông Huân, tất cả các công việc đều thực hiện khá chậm.

Trong đó, việc sáp nhập hiện mới thực hiện ở cấp xã, huyện, còn cấp tỉnh chưa thực hiện hay mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ ngành, còn trung ương chưa làm. Đồng thời, hiện tại việc sáp nhập mới chủ yếu dựa trên diện tích, dân số, kinh tế...

Nhưng theo ông Huân, chưa có một nghiên cứu nào bài bản, khoa học, đánh giá tác động kỹ về việc tại sao phải nhập, tại sao phải tách ở một địa phương và việc sáp nhập này sẽ có tác động thế nào.

Ông dẫn chứng trước đây đã có thời kỳ chúng ta từng tiến hành sáp nhập các địa phương cấp tỉnh vào còn 40 tỉnh/thành nhưng sau đó lại tách ra. Việc tách ra, nhập vào mỗi lần sẽ rất tốn kém về chi phí.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.

Tại phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, trên cơ sở những nguyên tắc xuyên suốt đã xác định, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, ý kiến các cơ quan, đơn vị qua tổng kết; ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài… để đề xuất cụ thể việc tinh gọn các ban Đảng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, các đoàn thể. Đồng thời, chủ động nghiên cứu mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất.

Theo ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc ngân sách chi cho bộ máy hành chính chiếm đến 70% tổng chi ngân sách, chỉ còn lại 30% cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, an ninh xã hội cho thấy bộ máy hành chính của chúng ta đang được tổ chức khá cồng kềnh, đòi hỏi nguồn lực để duy trì bộ máy là khá lớn. Việc duy trì một cơ cấu chi tiêu ngân sách có nhiều bất cập như vậy có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng ngân sách và khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế.

Có thể thấy, nếu không có những biện pháp mạnh mẽ để cải tổ và tinh gọn bộ máy, nguồn lực ngân sách khó có thể được sử dụng hiệu quả, gây khó khăn cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là khi mục tiêu tăng trưởng hai con số mỗi năm đang được đặt ra bức thiết để hướng tới trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Thiên Trường