TS. Nguyễn Minh Phong
Nguồn cung thịt lợn quá lớn dẫn tới cung vượt xa cầu được đề cập đến rất nhiều trong những ngày qua. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Tình trạng rớt giá, thua lỗ, vì rớt giá không tiêu thụ được khá phổ biến, không chỉ xảy ra với thịt lợn mà với cả dưa hấu, thanh long, một số cây con khác.
Riêng thịt lợn, có nguyên nhân trực tiếp do Trung Quốc giảm mua, yêu cầu XK qua chính ngạch. Đây là cú sốc về mặt tổ chức nhà nước, cho thấy có sự chậm trễ trong vấn đề chuyển đổi XK từ tiểu ngạch sang chính ngạch, cũng như tổ chức tiêu thụ một cách có hệ thống.
Tiếp nữa là do công tác chỉ đạo, bao gồm vấn đề dự báo, tổ chức hệ thống phân phối, có cả vấn đề hỗ trợ chế biến, khiến người dân phải bán thốc bán tháo để cắt lỗ, quay vòng vốn. Trong khi đó, thịt lợn hoàn toàn có thể chế biến để XK hoặc để giữ giá, thậm chí chỉ cần tác động vào khâu tiêu thụ cũng có thể giữ được giá.
Thịt lợn giảm như vậy, nhưng NTD vẫn phải mua với giá gốc như cũ, rõ ràng đây là cơ hội để giới thương lái… "ăn”; gây ra tình trạng tệ hơn rớt giá nữa là người nông dân chuyển sang đi buôn, tạo ra tình huống "một người sản xuất, ba người đi buôn”...
Mặt khác, do lỗi về mặt kỹ thuật, chúng ta chưa chủ động về XK và công tác dự báo. Kém hệ thống phân phối, chưa khẳng định được vai trò của cơ quan chức năng như Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, hiệp hội DN…
Vậy giải pháp để giải quyết tình huống cũng như ổn định, phát triển chăn nuôi thời gian tới sẽ là gì?
Trước hết là công tác dự báo thị trường, quy hoạch chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, làm kỹ hơn để cân đối, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng, tham gia thiết lập nhanh, sớm hệ thống XK chính ngạch, xây dựng khuôn khổ pháp lý, đàm phán có những hợp đồng quốc gia liên quan tới XK chính ngạch. Có như vậy, mới ổn định thị trường, không bị gây sức ép đột ngột.
Hơn nữa, công tác đa dạng hóa thị trường để XK cũng còn yếu, rõ ràng đây là vai trò của Nhà nước, DN. Nhật Bản nhập mấy tỷ USD thịt lợn/năm; trong khi nước ta không hề xuất được sang thị trường đó. Có vấn đề liên quan tới tổ chức, marketing, sản xuất, chế biến.
Các chính sách của Nhà nước liên quan tới hệ thống phân phối trong nước cũng cần chú ý. Đó là cho vay hỗ trợ mua trữ, công nghệ chế biến để XK, tạo điều kiện cho nhau để hình thành hệ thống phân phối giá rẻ.
Nông dân bán lỗ, nhưng thương lái lãi gấp 3 lần. Chúng ta đang bỏ trống cơ hội cho tư thương. Ở đây thiếu sự liên kết, phân công trách nhiệm, thiếu bàn tay của địa phương. Đã đến lúc không thể để nông dân tự tư duy với thị trường, tăng vai trò của cơ quan chức năng, hiệp hội trong xây dựng chuỗi cung ứng.
Ngay cả trong các luật quy định vai trò, chức năng của sở, ngành địa phương không có hoặc mờ nhạt, còn đang thiếu khoảng trống pháp lý để các ngành vào cuộc.
Việc áp dụng công nghệ, đưa DN vào để chế biến còn thiếu, hầu hết bán tươi, được mùa rớt giá, bán đổ bán tháo. Chuyển sang XK chính ngạch thì đảm bảo hoạt động ổn định, không bị tình trạng "đem con bỏ chợ", quy trình kỹ thuật làm riết ráo hơn, bản thân mình có lợi là nâng cấp lên, khi đạt chuẩn thì có thể bán cho đối tác khác.
Để giải quyết nhanh vấn đề này, trước khi điều chỉnh quy hoạch, riêng việc các địa phương liên kết, tạo cơ hội cho DN tại đó có chỗ bán trực tiếp cho người tiêu thụ với giá cao hơn giá người nông dân bán, thấp hơn giá NTD mua của thương lái là việc có thể làm được ngay.
Như ý kiến của Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho rằng, chuỗi sản xuất, tiêu thụ đang bị sai khi 70% lợi nhuận vào tay thương lái, 30% cho người sản xuất. Tỷ lệ phân chia như vậy luôn thiệt hại cho nông dân, đáng lẽ phải ngược lại. Nhà nước phải điều tiết, xử lý lại vấn đề đó.
Một số ý kiến cho rằng nên kêu gọi DN có năng lực chế biến vào thu mua thịt lợn cho nông dân. Vấn đề này, ông có cho là khả thi?
Nguyên tắc DN có nguồn cung, có tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật, có kế hoạch tiêu thụ. Không thể có lòng tốt ở đây được. Có chăng, chỉ đề nghị, hỗ trợ họ mở rộng hợp đồng tiêu thụ, đưa các quy chuẩn đầu vào chuẩn cho người chăn nuôi theo hợp đồng được cam kết.
DN hỗ trợ giống, quy trình, thức ăn theo đúng chuẩn để đạt được nguyên liệu đầu vào chuẩn, từ đó mở rộng tiêu thụ số lượng mà người dân bị thương lái chi phối. Thời gian khoảng 4 - 5 tháng.
Nhà nước nên có đàm phán, thương lượng với Trung Quốc, để họ đưa nhanh vào hợp đồng tiêu thụ chính ngạch hoặc mở tiếp hạn ngạch tiểu ngạch để nông dân có cơ hội XK. Cần mềm dẻo, trách nhiệm, sự thiếu nhiệt tình của cơ quan chức năng.
Chưa kể tới việc Nhà nước cho DN vay để mua trữ với lãi suất thấp, không ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của họ.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Thái Bình (Thực hiện)