Đánh giá về tình hình nguy cấp của ngành chăn nuôi, đại diện lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sản xuất trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong đó, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đ/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đ/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được”, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định.

Nếu tình trạng này kéo dài, hầu hết các hộ chăn nuôi và ngay cả những trang trại lớn cũng khó trụ được, kéo theo nhiều hệ lụy đối với các hoạt động kinh doanh đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là đối với các hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Tìm biện pháp “giải cứu” cho ngành chăn nuôi heo - Hình 1

Chia sẻ tại cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, ngay sau khi giá lợn giảm sâu, doanh nghiệp đã có động thái giảm giá con giống và thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng GĐ Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, để “giải cứu” thịt lợn, công ty đã tăng cường bán thịt lợn theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Tuy nhiên, một số nông dân đang cố gắng vay vốn để giữ đàn lợn để xuất khẩu. Do vậy, cần có chính sách cụ thể để người nông dân có hướng chăn nuôi.

Ông Pham Van Hoc, Phó tổng GĐ Công ty Dabaco Việt Nam cho biết, đơn vị này đã giảm giá thức ăn 5-7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống. Trong thời điểm hiện nay, không tiếp tục tăng đàn nhưng sẽ áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng đàn lợn nái và xem xét xây dựng nhà máy giết mổ lợn trong năm nay để nâng cao năng lực chế biến thực phẩm.

Dabaco kiến nghị Bộ NN-PTNT cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Kiến nghị tạm dừng tạm nhập tái xuất thịt lợn để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay, giành thị trường cho thịt lợn nội địa. Dabaco cũng đồng tình giảm đàn nái, không để phát triển ồ ạt. Cuối cùng là kiến nghị thành lập hiệp hội chuyên về chăn nuôi heo.

Ông Võ Anh Dũng, đại diện Công ty Nam Hà Nội, cho rằng: “Hỗ trợ tốt nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua. Chúng tôi đang hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách mua cao hơn giá thị trường 2 giá là 23.000 đồng/kg”.

Theo ông Dũng: Tại tỉnh Hà Nam, hiện chỉ có 1,5 triệu đồng/con lợn mà không bán được. Giá lợn Việt Nam hiện nay là rẻ nhất thế giới. Chúng tôi cũng sẽ giảm giá bán thịt từ ngày mai, giảm giá bán thịt cho các trường học, cho nhóm công nhân… Họ vẫn được ăn thịt sạch với giá bình dân..

Bà Kim Ánh, đại diện Công ty Lái Thiêu cho biết: Doanh nghiệp hỗ trợ tiền thanh toán cho khách hàng, cho người dân nợ, giảm chi phí sản xuất, các chi phí khác, chi phí quản lý. Kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi vay vốn, đỡ chi phí. Giá nguyên liệu đầu vào, bã đậu nành đang chịu thuế 2%, đề nghị xem lại mức thuế này.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, dù giá heo của nông dân bán giảm thê thảm, nhưng giá thịt trên thị trường vẫn không giảm bao nhiêu, vậy đây là vai trò của Bộ Công Thương.

Ông Lịch cũng cho rằng cần giảm giá thức ăn để giúp đỡ người chăn nuôi, chia sẻ với họ. Ông kêu gọi các thành viên giảm giá thức ăn chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng đề nghị giảm giá thức ăn chăn nuôi. Doanh nghiệp thu mua cố gắng tăng cường thu mua lợn quá lứa. “Chúng tôi sẽ làm việc với Đồng Nai, lắng nghe và thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn. Bộ đang giao Cục Thú y tạo ra các vùng an toàn dịch bệnh để xúc tiến xuất khẩu thịt lợn. Chúng tôi làm việc với TP. HCM, các cơ sở chế biến, tiêu thụ… động viên tăng cường giết mổ, thu mua, cấp đông. Tính tới việc giảm giá chi phí như hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho người chăn nuôi...”, Thứ trưởng Tám nói.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến giá heo rớt thê thảm. Thứ nhất, nguồn cung đang lớn hơn cầu, đây là nguyên nhân chính. Trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn. Nguyên nhân thứ hai là phải nghiêm túc nhìn nhận là tổ chức ngành hàng thịt heo chưa tốt.

Trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, dẫn đến khi có sự cố thị trường thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ. Ngoài thói quen tiêu dùng “thịt tươi”, khâu chế biến là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi bởi mới chỉ có một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn có năng lực này. 

Về giải pháp cơ bản nhất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất, đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Mục tiêu từ nay đến 2019 phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo như 4,2 triệu con.

Phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật. Phát triển đối tượng khác thay thế, không nhất thiết cứ nuôi lợn, có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê…

Về giải pháp tạm thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị trước mắt cần giảm ngay các yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y… Tháo gỡ khó cho người chăn nuôi trong thời điểm hiện nay, cũng chính là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tự giúp mình, hướng đến phát triển bền vững.

Theo Bộ NN-PTNT