Tại Hội nghị điều quốc tế Việt Nam lần thứ 12 (ngày 27 - 28/02), ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, năm 2023, mặc dù thị trường nông sản toàn cầu được dự báo sẽ có nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, việc mở rộng thị trường xuất khẩu song hành với chú trọng thị trường trong nước sẽ là cơ sở để ngành nông nghiệp Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 54 tỷ USD năm 2023 (tăng 780 triệu USD so với năm 2022).

Ảnh internet
Ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,1 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh internet.

Vinacas dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 12/2022, Việt Nam xuất khẩu được 519.782 tấn hạt điều, trị giá 3,08 tỷ USD. So với năm 2021, xuất khẩu hạt điều giảm 10,3% về lượng và 15,1% về trị giá.

Với kết quả này, ngành điều không hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD trong năm qua, đồng thời, chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu điều kéo dài 10 năm (từ năm 2011-2021).

Theo đánh giá của Hội đồng Thông tin VINACAS, tính đến tháng cuối của năm 2022 và đầu năm 2023, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn.

Trên cơ sở đó, ông Công dự báo tăng trưởng của ngành điều sẽ bị tác động đáng kể do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu tiếp tục ảm đạm, thị trường nguyên liệu điều thế giới sẽ gặp nhiều thách thức.

Năm 2023, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu đạt mức 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Hiệp hội duy trì chủ trương “giảm lượng, tăng chất”...

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp và ngành điều cần có chiến lược bài bản cho việc xây dựng và quản trị thương hiệu để phát huy tối đa giá trị thương hiệu của một ngành đứng đầu thế giới. Trong đó xu hướng sản xuất và thương mại xanh, tăng trưởng xanh trên toàn cầu. Ngành điều cần tiên phong trong việc xanh hóa và thực hành sản xuất xanh.

Ông Phú nhấn mạnh, hiện EU đang đi đầu về xu hướng này từ năm 2017. Từ đó đến nay, nhiều đạo luật đã được ban hành để hiện thực mục tiêu Net-Zero, cùng với đó là các tiêu chuẩn được đưa ra đối với các ngành hàng. Theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị cho toàn ngành để đảm báo tấm vé “xanh” vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, hiện trong ngành điều Việt Nam đã có một số doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn mới thì toàn ngành cần thực hành mô hình quản trị theo chuỗi giá trị.

Lê Pháp (T/h)