Tầm quan trọng của quy hoạch với sự phát triển KT - XH
Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa của vùng trung du miền núi phía bắc, là cửa ngõ giao lưu KT-XH giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 phải phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng, nội dung của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và tầm nhìn Việt Nam, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tỉnh xây dựng quan điểm, thiết lập tầm nhìn và xác định mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt, độc đáo của Thái Nguyên so với các tỉnh lân cận và trong khu vực; tập trung phát triển một số nhóm ngành trọng điểm, như: CN cơ khí, CN chế biến, CN điện tử, CN hỗ trợ; xây dựng và kinh doanh BĐS; nông - lâm nghiệp và thủy sản; thương mại - du lịch và dịch vụ; y tế, chăm sóc sức khỏe; GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực.
Đối với ngành du lịch Thái Nguyên, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt, độc đáo là một điểm đến của du lịch văn hóa về nguồn với những di tích lịch sử gắn liền với những cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc. Không chỉ vậy, địa phương còn giàu tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng...
Lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia HCM cùng lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận bàn giao di tích lịch sử Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện NQ số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, DN, du lịch Thái Nguyên đã đạt được những kết quả nhất định, tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Xây dựng quy hoạch dựa trên cơ sở thực tiễn
Để ngành du lịch phát triển và thu hút các nhà đầu tư, thì công tác quản lý nhà nước luôn được tăng cường trú trọng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở VH -TT&DL với các ngành chức năng liên quan trong công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án, xây dựng kế hoạch về hoạt động du lịch và phát triển du lịch, công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch được tiến hành thường xuyên.
Thực hiện đánh giá tài nguyên du lịch, xác định loại hình du lịch có tiềm năng, thế mạnh phát triển để từ đó tập trung làm tốt công tác quy hoạch. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến nay, Thái Nguyên đã có 2 tài nguyên du lịch được quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại các địa phương, có 6 điểm du lịch đã được quan tâm lập quy hoạch để mời gọi đầu tư khai thác, phát triển nguồn tài nguyên du lịch: Phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với tài nguyên du lịch cảnh quan Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến 2030 và các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vùng chè Tân Cương; lập quy hoạch phát triển loại hình du lịch lịch văn hóa lịch sử “Du lịch về nguồn” với tài nguyên du lịch là giá trị lịch sử của di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc.
Khảo sát quy hoạch xâydựng di tích Lý Nam Đế (đền Mục) xã Tiên phong, TX. Phổ Yên
Các địa phương đã chủ động thực hiện công tác quy hoạch nhằm phát triển khai thác sản phẩm tài nguyên du lịch: Quy hoạch chi tiết di tích đình, đền, chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình); quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng tỷ lệ 1/500 công trình phục vụ lễ hội chùa Hang (TP. Thái Nguyên); quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia Núi Văn, Núi Võ (huyện Đại Từ); quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế (TX. Phổ Yên).
Cùng với đó, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch lịch sử, sinh thái liên hoàn chùa Hang - nhà tù Chợ Chu - hồ Bảo Linh (huyện Định Hóa); quy hoạch chi tiết Khu di tích đền Đuổm (huyện Phú Lương). Các danh mục kêu gọi thu hút đầu tư lĩnh vực hạ tầng thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch được tỉnh đăng tải đầy đủ trên website: http://thainguyendautu.vn
Hiện thực hóa quy hoạch thông qua hành động cụ thể
Nhằm phấn đấu đạt các mục tiêu quy hoạch đặt ra, Sở VH-TT&DL đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung quy hoạch như lập báo cáo tiền khả thi đầu tư hệ thống hạ tầng Khu du lịch hồ Núi Cốc.
Xây dựng 9,5 km đường nối trung tâm thành phố Thái Nguyên vào Khu du lịch hồ Núi Cốc; đường 1,9 km nối từ tỉnh lộ 261 vào đền Gàn... Đưa vào kế hoạch trung hạn (2016 - 2020) và báo cáo Trung ương đầu tư đường ven hồ Núi Cốc nối bờ bắc - nam, chiều dài 2,8 km, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển hạ tầng du lịch với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch theo quy hoạch; quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến 2030... UBND tỉnh đã giao các ngành, các cấp triển khai nghiên cứu lập đồ án quy hoạch.
Quảng bá về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch của tỉnh thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch lớn như Festival Trà, khai mạc Mùa du lịch, tham gia Chương trình du lịch qua miền di sản Việt Bắc, tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, tổ chức các sự kiện văn hóa theo chủ đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Xây dựng trang Website: http://thainguyentourism.vn để quảng bá về sản phẩm du lịch, tiềm năng phát triển du lịch của Thái Nguyên trong nước và quốc tế nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch đến với Thái Nguyên; phát hành các ấn phẩm quảng bá sản phẩm du lịch; xây dựng và phát hành các phim, chuyên mục, tuyên truyền quảng bá về du lịch Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, bao gồm hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf, casino. Tiếp tục tổ chức Festival Trà để trở thành sản phẩm du dịch đặc thù riêng có độc đáo của tỉnh.
Hoàng Thiệp