Ngày 12/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững do Đồng chí Lê Quốc Doanh Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội nghị,

Dự Hội nghị có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT; Bộ Khoa học - Công nghệ; Bộ Công thương; Hiệp hội chè Việt Nam cùng đại diện một số tỉnh, thành sản xuất chè trong nước. Về phía tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan và các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất chè tiêu biểu.

Các đại biểu tham dự hội nghị tham quan thực tế tại vùng chè đặc sản Viet Gap Tiến Yên (Thái Nguyên)Các đại biểu tham dự hội nghị tham quan thực tế tại vùng chè đặc sản Viet Gap Tiến Yên (Thái Nguyên)

Tính đến năm 2020, cả nước có 34 tỉnh, thành trồng chè; năng suất chè bình quân cả nước đạt khoảng 9,4 tấn búp tươi/ha. Đến nay, Việt Nam đã có thể sản xuất đủ các loại chè phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng đa dạng của khách hàng trên thế giới, đã có 370 tổ chức và cá nhân xuất khẩu chè sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ với khối lượng đạt gần 140 nghìn tấn. Về tiêu thụ trong nước đạt khoảng 45 nghìn tấn chủ yếu là chè xanh, giá bình quân 8-10 USD/kg. Những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè tiếp tục tăng nhờ những chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt đã có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề an toàn thực phẩm trên chè và cho nhiều kết quả khả quan. Mặc dù vậy, sản xuất chè vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: Sản xuất vẫn mang tính nông hộ chiếm 65% về diện tích; cơ cấu sản phẩm chè chưa hợp lý; sản phẩm chè hàng hóa chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu thô, không có thương hiệu.

Vùng chè nguyên liệu Thái Nguyên gắn với phát triển du lịchVùng chè nguyên liệu Thái Nguyên gắn với phát triển du lịch

Thái Nguyên, hiện là tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước, diện tích trồng chè hiện nay ước đạt 22.500ha; năng suất ước đạt 119 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 230 nghìn tấn. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Đến nay, hầu hết diện tích chè của tỉnh đã được sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ; khâu chế biến cũng được chú trọng, đa dạng hóa sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè; các sản phẩm chè của tỉnh đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, nhờ đó đã giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất chè.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề về phát triển bền vững ngành chè, trong đó tập trung vào các nội dung như: Quản lý an toàn thực phẩm và những giải pháp thúc đẩy sản xuất chè an toàn; chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất chè; kinh nghiệm, cách thức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu; chuyển đổi cơ cấu giống chè để phục vụ chế biến… Tuy nhiên, nhiều đại biểu dự Hội nghị cho rằng, dư địa phát triển chè còn rất lớn, đặc biệt là việc nâng giá trị gia tăng của chè; nhận thức, đầu tư, chỉ đạo và tổ chức sản xuất chè giữa các tỉnh khác nhau, có những nơi một héc - ta chè đạt giá trị tù 500 đến 800 triệu đồng/năm, nhưng có những nơi chưa đạt đến 100 triệu đồng/ha/năm; liên kết sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu; gắn sản xuất chè với du lịch còn yếu.

Các đại biểu tham dự Hội nghịCác đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương có thế mạnh về chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất an toàn, thí điểm xây dựng vùng chè hữu cơ và chế biến thành phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị. Đồng thời cần ưu tiên đầu tư và phát triển chế biến sâu cùng với xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các địa phương trong sản xuất chè an toàn, chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng chè an toàn, phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu kết luận Hội nghịThứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu kết luận Hội nghị

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh giao trách nhiệm cho Cục Trồng trọt xây dựng đề án phát triển cây chè bền vững trong điều kiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xác định mục tiêu rõ ràng, có chính sách đối với cây chè. Các cục, vụ, viện, trường đại học liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các vấn đề liên quan nhằm phát triển cây chè.

Hoàng Công Luận