Du khách tham quan tại danh thắng du lịch Hòn Trống Mái tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá
Du khách tham quan danh thắng du lịch Hòn Trống Mái tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, sau ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch Thanh Hóa đang dần có những bước hồi phục và ghi nhận những tín hiệu tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ước đón gần 7 triệu lượt khách. Đặc biệt các kỳ nghỉ lễ, lượng khách đến các khu, điểm du lịch Thanh Hóa luôn xếp trong tốp đầu của cả nước.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm đạt trên 6,8 triệu lượt, bằng 68,2% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 44.550 lượt khách, tăng gấp 2,18 lần so với 06 tháng đầu năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt 11.557 tỷ đồng, tăng gấp 2,61 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và đạt 64,5% kế hoạch năm 2022.

Trong đó, khu du lịch biển Sầm Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về lượng khách. Chỉ tính đến ngày 21-6, tất cả chỉ tiêu về lượt khách, ngày khách, doanh thu đều vượt so với kế hoạch đề ra trong năm 2022. Cụ thể, TP. Sầm Sơn đón trên 4,1 triệu lượt khách, gấp 2,59 lần cùng kỳ năm 2021, vượt 17,88% kế hoạch năm; phục vụ trên 8,4 triệu ngày khách, gấp 2,35 lần cùng kỳ năm 2021, vượt 2,2% kế hoạch. Doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng, gấp 2,47 lần cùng kỳ năm 2021, vượt 9% kế hoạch năm 2022.

Thực tế, ngành du lịch Thanh Hóa có rất nhiều lợi thế để trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch. Không chỉ có du lịch biển, mà hầu hết các sản phẩm du lịch nổi bật như: văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch đường sông, khám phá trải nghiệm... đều “gói gọn” trong một tỉnh. Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi về cung đường kết nối với các thị trường khách du lịch lớn, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ chất lượng cao.

Hiện, cùng với các khu du lịch biển, ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại, một số điểm đến văn hóa lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng như: Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc)... ngày càng khẳng định được sức hấp dẫn đối với du khách.

Điều đáng mừng hơn, cùng với lượng khách truyền thống từ các tỉnh phía Bắc, những điểm đến này đã mở rộng thu hút khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên có đường bay kết nối đến Thanh Hóa.

Sắp tới, ngành du lịch Thanh Hóa tiếp tục thực hiện chiến lược phục hồi với trọng tâm đẩy mạnh du lịch nội địa. Trong đó chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp: tuyên truyền, quảng bá; tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động xúc tiến, sự kiện du lịch lớn trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, tăng cường liên kết với các trọng điểm du lịch trong cả nước; tổ chức khảo sát, xây dựng các tour du lịch mới; khai thác hiệu quả các đường bay hiện có và đường bay mới đến và đi từ Cảng Hàng không Thọ Xuân; định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khai thác, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác...

Hoài Thu