Việc thị trường Việt không đủ tiềm lực để phát minh thuốc mới và chỉ số ít doanh nghiệp có công nghệ tiếp cận với các tiêu chuẩn cao EU - GMP hay PIC/S là nguyên nhân chính khiến kim ngạch nhập khẩu dược phẩm liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thị trường nhập khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm rất đa dạng với hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương. Trong đó, nhiều thị trường lớn trong khu vực châu Âu đang cung cấp dược phẩm cho Việt Nam.
Ngành dược phẩm Việt Nam đang giữ chỉ số kim ngạch nhập khẩu ngày căng tăng cao
So với cùng kỳ 2018, kim ngạch nhập khẩu thuốc tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2019 đạt 700 triệu USD, tăng hơn 16 % so với cùng năm trước, tính riêng tháng 3/2019 kim ngạch đạt 255 triệu USD, tăng hơn 42 % so với tháng 2/2019.
Đến hết tháng 3/2019, Pháp là quốc gia có kim ngạch nhập khẩu thuốc lớn nhất của Việt Nam đạt gần 98 triệu USD, tăng hơn 38 % so với cùng kỳ 2018, riêng tháng 3/2019 kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt gàn 43 triệu USD, tăng hơn 95 % so với tháng 2/2019 và tăng hơn 26 % so với tháng 3/2018.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu thuốc từ các thị trường khác nữa như Ấn Độ đạt 61 triệu USD, Mỹ hơn 45 triệu USD và Hàn Quốc đạt gần 39 triệu USD…
Theo số liệu thống kê từ Hãng Nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2018 lên tới gần 5,3 tỷ USD. Hãng này cũng dự báo, độ lớn thị trường sẽ lên tới con số 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và đạt mức 16,1 tỷ USD cho tới năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11%.
Gần 55% nhu cầu dược phẩm trong nước phải đáp ứng bằng nguồn nhập khẩu, trong đó phải kể đến một lượng lớn là các loại biệt dược - thuốc có bản quyền phát minh (patent drug), với giá thành đắt đỏ do không thể sản xuất trong nước.
Chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam năm 2017 khoảng 56 USD, dự báo con số này sẽ tăng lên 85 USD vào năm 2020 và 163 USD trong năm 2025, và đây là cơ sở khẳng định, tốc độ chi ngoại tệ để nhập khẩu dược phẩm còn tăng mạnh trong những năm tới.
Theo nhiều chuyên gia y tế, ngành dược trong nước, thực tế vẫn tập trung chủ yếu trong khâu bào chế, gia công thuốc trên cơ sở nguyên liệu nhập. Thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là các thuốc phổ thông có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém. Trong số 170 cơ sở sản xuất dược phẩm, chỉ có 7 cơ sở sản xuất nguyên liệu hóa dược với 2 trên 7 cơ sở đạt GMP.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, một phần nguyên nhân khiến ngành dược liệu Việt Nam bị phân tán là do "ôm đồm" quá nhiều và xây dựng chuỗi liên kết lấy doanh nghiệp là trung tâm vẫn chưa đủ mạnh.
"Với hiện trạng ngành dược liệu của Việt Nam, chúng ta cần xác định rõ trọng tâm phát triển theo những nhóm sản phẩm chiến lược, thay vì phân tán doanh nghiệp thích trồng cây nào, xây dựng vùng dược liệu nào thì làm cái đó như trước đây", một chuyên gia chia sẻ.
Trang Nguyễn