THCL Bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Giám quản hàng hóa XNK thương mại (Tổng cục Hải quan): "Cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính".

Để doanh nghiệp dễ thở…

Nghị quyết 19/CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ đặt ra yêu cầu cải cách mạnh mẽ và rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan; thủ tục XNK cho DN.       Thực hiện chủ trương này, ngành hải quan đã có những cải cách, đơn giản hóa, minh bạch đối với hồ sơ hải quan, thủ tục hải quan và đã được cộng đồng DN đánh giá cao.

Theo đó, khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử. Việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định (Điều 29 Luật Hải quan, khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP); việc kiểm tra hồ sơ hải quan được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc trực tiếp bởi công chức hải quan (Điều 31). Đối với trường hợp khai hải quan điện tử, người khai hải quan nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan dưới dạng điện tử hoặc chứng từ giấy khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa (Điều 25).

Về hồ sơ hải quan, luật đã đưa ra quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo hướng đơn giản hóa, chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan (Điều 24).

Về thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan, quy định rõ thời hạn kiểm tra hồ sơ hải quan chậm nhất là 02 giờ làm việc; thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá là 8 giờ làm việc (luật hiện hành là 02 ngày làm việc); bổ sung quy định cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày lễ, ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc để bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa XK, NK, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách, phương tiện vận tải (Điều 23).

Quy định chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, như: miễn kiểm tra chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; miễn kiểm tra thực tế hàng hóa; được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai;... đối với DN đáp ứng đủ điều kiện (Điều 42, 43).

Luật Hải quan cũng quy định tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra hàng hóa XK, NK theo cơ chế một cửa quốc gia. Theo đó, quy định rõ trách nhiệm của bộ, ngành trong việc gửi giấy phép XK, NK, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng trên hệ thống thông tin tích hợp (Điều 4, Điều 24).

Triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, Tổng cục Hải quan chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 14/7/2015 về tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý trong lĩnh vực hải quan. Tổng cục đã chủ trì phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, đánh giá về thực trạng hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK và xây dựng Đề án "Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK".

Ngày 17/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK. Theo đó, Bộ Tài chính và các bộ quản lý chuyên ngành phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu giảm thời gian thông quan đối với hàng hóa XNK, qua đó đẩy mạnh hoạt động XNK hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới theo Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ.

Luôn luôn lắng nghe

Thời gian qua, ngành hải quan đã rất nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song trên thực tế, nhiều lĩnh vực chưa đạt được kết quả như ý muốn. Nhiều DN vẫn phản ánh: Thời gian hoàn thành thủ tục XNK còn kéo dài; sự thiếu đồng bộ, triển khai không thống nhất về chính sách, pháp luật của cơ quan hải quan và cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cũng như giữa các đơn vị trong ngành; vẫn tồn tại tình trạng DN phải nộp các khoản chi phí không chính thức…

Theo bà Hà, thủ tục thông quan cho hàng hóa XK, NK, không chỉ liên quan đến cơ quan hải quan, mà còn liên quan đến các cơ quan quản lý chuyên ngành khác. Trong khi đó, công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK vẫn còn nhiều bất cập vướng mắc, như: Hệ thống văn văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành quá nhiều; tình trạng một mặt hàng phải áp dụng nhiều chính sách quản lý hoặc một mặt hàng thuộc diện quản lý của nhiều bộ, ngành; danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành phạm vi quá rộng, không có mã số HS, thiếu tiêu chuẩn, kỹ thuật để kiểm tra; chưa áp dụng rộng rãi phương pháp quản lý rủi ro, phân loại DN trong kiểm tra chuyên ngành dẫn đến thời gian thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành kéo dài ảnh hưởng đến quá trình và thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa của DN…

Bà Hà thừa nhận: "Thời gian thông quan chậm còn do một số lý do khác cũng được dư luận phản ánh đó là tình trạng một bộ phận cán bộ công chức hải quan còn thiếu năng lực, kỹ năng chuyên môn, bên cạnh đó là sự chây ỳ, cố tình xử lý chậm để làm khó DN. Chúng tôi khẳng định, tình trạng này có tồn tại, nhưng chỉ mang tính cục bộ. Ngành hải quan đã thiết lập và công khai các đường dây nóng, niêm yết tên và số điện thoại tại các địa điểm làm thủ tục để DN có thể phản ánh kịp thời. Bên cạnh đó, Tổng cục thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức chuyên môn cho CBCC. Những việc làm này đều nhằm mục đích làm trong sạch, lành mạnh hóa, cũng như bảo đảm vững vàng về nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc cho đội ngũ công chức, tạo thuận lợi cho DN khi làm thủ tục".

Hiện cơ quan hải quan vẫn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, ngành hải quan luôn hoan nghênh mọi ý kiến phản hồi mang tính xây dựng của cộng đồng DN về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này. Từ đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả, đưa ra những biện pháp phù hợp cải thiện chất lượng dịch vụ và quan trọng là tối đa hóa lợi ích cho cộng đồng DN XNK.

Bộ Tài chính sẽ phối hợp và kiến nghị các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện các nhóm giải pháp: Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quy trình thủ tục hải quan, hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK để bảo đảm quản lý chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa; đẩy nhanh tiến độ triển khai "cơ chế một cửa" quốc gia; xây dựng danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm bớt các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra thuộc danh mục; công bố đầy đủ các danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS phù hợp với danh mục, biểu thuế hiện hành; tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực cho các cơ quan/đơn vị kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa XNK lớn để nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XK; áp dụng thừa nhận lẫn nhau của nước XK, NK, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi dữ liệu điện tử về kết quả kiểm tra chuyên ngành giữa các cơ quan kiểm tra, quản lý có liên quan

Hà Thu