Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, nhất là những nơi có đường mòn, lối mở, sông suối, địa bàn thuận lợi cho việc tập kết, vận chuyển trái phép lợn từ nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Tây Nam giáp với Campuchia. Cơ quan Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu lợn, sản phẩm từ lợn tại khu vực cửa khẩu và kho của doanh nghiệp đối với lô hàng nhập khẩu đưa vào bảo quản chờ thông quan để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới vào Việt Nam.
Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu không đủ điều kiện nhập khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất, tịch thu hoặc tiêu huỷ; đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Các Cục Hải quan phối hợp chặt với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng như: Biên phòng, Quản lý thị trường, Giao thông vận tải, Công an, Thú y trong việc triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam và tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh về sự nguy hiểm trên lợn nhập lậu, bệnh có thể lây sang người và tác hại khi buôn bán, vận chuyển lợn không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Trước đó, ngày 1/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 694/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam; ngày 8/8/2023, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có công văn số 88/BCĐ389-VPTT về việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam.
Hà Trần