Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Ngành Nông nghiệp: Ba khâu đột phá

Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ cùng PV TH&CL: “Cần tập trung đồng bộ cả 3 khâu: Phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng, miền để lựa chọn đối tượng; đi sâu hơn vào chế biến; mở rộng thị trường - Đó là những việc tiền đề năm 2017 đã đặt ra. Năm 2018, phải làm quyết liệt hơn, cụ thể hơn để đưa những định hướng, tiềm năng vào thực tiễn”.

Ngành Nông nghiệp: Ba khâu đột phá - Hình 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Từ lâu, chúng ta coi trọng mặt hàng lúa gạo là hàng đầu, nhưng trong năm qua, đã chuyển sang thủy sản, trái cây, rồi đến lúa gạo và đã đạt được kết quả bước đầu. Theo quan điểm của Bộ trưởng, chiến lược “xoay trục” này sẽ được tiếp bước như thế nào trong thời gian tới?

Rõ ràng, đạt được kết quả ban đầu của giai đoạn vừa qua, nhưng chúng ta không được phép chủ quan, phải tiếp tục làm sâu sắc hơn; biến những tiềm năng thành hiện thực bằng các hình thức tổ chức sản xuất và theo một nguyên tắc chung đó là chuỗi giá trị tất cả các nhóm ngành hàng, kể cả những ngành hàng chủ lực quốc gia, nhóm ngành hàng chủ lực của các tỉnh và nhóm ngành hàng đặc sản của các địa phương.

Phải tập trung phát triển theo chuỗi, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ; tiếp tục chú ý 2 nút thắt mà hiện nay chúng ta chưa làm tốt đó là phát triển vùng nguyên liệu tập trung và xúc tiến, mở rộng thị trường.

Qua kết quả năm 2017, phải khẳng định là có những tiền đề tốt. Lấy ví dụ lĩnh vực thủy sản. Hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, chúng ta đang rà soát lại tất cả từ khoanh vùng nuôi. Riêng cá tra, hiện nay với khoảng 5.100 ha, chúng ta đã định dạng cơ bản đến ao nuôi để khống chế không tăng diện tích, nhưng đi sâu vào chuỗi giá trị.

Trong tổng số 143 cơ sở chế biến, 62 cơ sở đã tổ chức XK được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn XK. Đồng thời, tạo chuỗi giá trị gia tăng bằng xây dựng những vùng nguyên liệu ổn định để đảm bảo cung cấp cho các nhà máy chế biến; kiểm soát chặt chẽ về dư lượng, đạt tiêu chuẩn ngặt nghèo để đảm bảo uy tín khi đưa ra thị trường thế giới.

Đối với ngành hàng rau quả, chúng ta biết tiềm năng, dư địa của thị trường thế giới rất lớn. Tổng thương mại về rau quả là 270 tỷ USD - con số rất lớn (tổng giá trị giao dịch thương mại ngành lúa gạo chỉ 36 tỷ USD). Nhưng muốn làm tốt khâu này, chúng ta không chỉ chú ý đến quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu một cách ổn định, tập trung, mà quan trọng hơn nữa đó là chú trọng khâu chế biến.

Năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn cho công tác chế biến (đã và đang khởi công một số nhà máy ở 6 vùng kinh tế trọng điểm); tập trung vào những nhà máy lớn với công suất và công nghệ hiện đại. Tổng công suất dự kiến các nhà máy này khởi công đưa vào sản xuất của năm 2018 và đầu năm 2019 tới 1 triệu tấn (bằng công suất của 142 nhà máy vừa qua).

Chúng ta phải đi từ những tiền đề các nhà máy quy mô, công suất lớn và công nghệ hiện đại; định dạng vùng nguyên liệu để đảm bảo hình thành mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân, thông qua các HTX kiểu mới, trang trại… Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh hơn về thị trường, không chỉ thị trường truyền thống, mà cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hơn các thị trường mới, có tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ...

Như vậy, phải tập trung đồng bộ cả 3 khâu: Phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng, miền để lựa chọn đối tượng; đi sâu hơn vào công tác chế biến và mở rộng thị trường.

Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, từ những tiền đề của năm 2017, sẽ đẩy mạnh hơn trong năm nay, cụ thể ra sao, thưa Bộ trưởng?

Năm qua, cùng với sự vào cuộc ráo riết của Trung ương, phải khẳng định, 63 tỉnh thành, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và bà con nông dân vào cuộc rất quyết liệt.

Riêng năm vừa rồi, gần 2.000 DN tập trung đầu tư vào khu vực nông nghiệp với giá trị vốn đầu tư hàng tỷ USD. HTX kiểu mới cũng bùng nổ - làm hạt nhân liên kết với các DN, các thành phần kinh tế để xây dựng khu vực sản xuất vùng nguyên liệu theo từng đối tượng cây, con phù hợp với đặc thù từng nơi; tạo ra chuỗi liên kết khép kín, từ xây dựng vùng nguyên liệu, cho đến chế biến, XK.

Tại các diễn đàn an ninh lương thực APEC tại Cần Thơ, diễn đàn phát triển ngành hàng rau quả ở Đồng Tháp mới đây, chúng ta thấy rõ, nếu như có sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển nông nghiệp, thì đà tăng trưởng sẽ có cơ hội tiến xa hơn nữa.

Về phát triển nông nghiệp, một trong những giải pháp đó là huy động hình thức công - tư. Phải huy động tất cả các lực lượng tham gia thì mới có đủ tiềm lực đầu tư; không chỉ đầu tư mà quan trọng nhất đó là quản trị sau đầu tư và quản trị bền vững. Không chỉ các DN lớn, mà các DN nhỏ, DN khởi nghiệp góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế hộ tự phát sang nền kinh tế tập trung hàng hóa, chuỗi giá trị...

Muốn làm được như vậy, đòi hỏi trước hết là khuôn khổ chính sách. Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo điều chỉnh một loạt chính sách cho phù hợp. Chúng ta phải chia sẻ, đồng hành cùng các DN, tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, rào cản. Phải coi khó khăn của DN là khó khăn nội thân của ngành mình, của địa phương mình để vào cuộc. Phải trân trọng, chia sẻ, tôn vinh - coi thành công của DN chính là thành công của chính quyền để cùng chung hành động và đi đến thắng lợi trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ trưởng, định hướng tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm tới sẽ như thế nào?

Những năm tới, chúng ta tiếp tục chương trình tái cơ cấu nông nghiệp - nguyên tắc chung là tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp tập trung chuỗi giá trị, phản ánh đúng xu hướng lợi thế trên cơ sở nguyên tắc thị trường, thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Với ngành hàng quốc gia có lợi thế, cần phải tập trung vào những khâu yếu nhất để khắc phục; ngành hàng chủ lực cấp tỉnh phải khuyến khích mạnh. Một quốc gia có tiềm năng lớn về nông nghiệp, mà chỉ tập trung vào một số mặt hàng là không ổn.

Chẳng hạn như Bắc Giang, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Hà Giang… tìm ra lợi thế của mình để khai thác. Sơn La, một tỉnh điển hình chuyển nhanh từ cây ngô giá trị kém sang cây ăn quả, thành lập nhà máy chế biến, chuỗi XK... Phải chú ý đến sản phẩm nông nghiệp của vùng, miền, đẩy mạnh chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm.

Ngành Nông nghiệp: Ba khâu đột phá - Hình 2

Phải gắn kết tái cơ cấu nông nghiệp với tái cơ cấu kinh tế

Chúng ta phải gắn kết tái cơ cấu nông nghiệp với tái cơ cấu kinh tế, giữa nông nghiệp với du lịch, dịch vụ, làm sao khai thác tốt mảng này. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, phải dựa vào những nền tảng của quá trình 3 năm vừa rồi đã thực hiện, đồng thời phải làm sâu sắc hơn, củng cố tốt hơn trên cơ sở tổ chức lại sản xuất của hộ nông dân.

Con số gần 3.000 HTX kiểu mới còn khiêm tốn. Mục tiêu phấn đấu theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cố gắng từ nay đến năm 2020, phải làm sao có khoảng 15.000 HTX kiểu mới. Chỉ có nông dân tổ chức vào các HTX kiểu mới, chỉ có nông dân từ trang trại chuyển lên thành DN nhỏ, từ DN nhỏ lên DN lớn liên kết với nhau, tao thành phương thức tổ chức, sản xuất mới thích ứng với nền sản xuất tập trung hàng hóa theo chuỗi giá trị, thì mới mang lại thành công.

Do đó, có thể tin tưởng, với sự vào cuộc ráo riết của cả hệ thống chính trị, các địa phương, các thành phần kinh tế và bà con nông dân, chúng ta không chỉ theo định hướng đó một cách kiên trì, mà quan trọng là phát hiện ra thời cơ để tập trung đầu tư. Ví dụ, thời cơ đến với ngành hàng rau quả, ngành hàng thủy sản thì tập trung cao, đồng bộ để làm sao khai thác nhanh lợi thế. Một khi chúng ta đã thắng lợi bước đầu, nền tảng sẽ làm đà tốt cho cục diện sau này về phát triển hàng hóa, cũng như duy trì, khai mở thị trường, xây dựng kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, giàu bản sắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Hà(Thực hiện)

Bài liên quan

Tin mới

Tiếp tục nghiên cứu khung khổ pháp lý về tiền ảo
Tiếp tục nghiên cứu khung khổ pháp lý về tiền ảo

Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.

Thế Giới Di Động cắt giảm gần 10.000 nhân viên
Thế Giới Di Động cắt giảm gần 10.000 nhân viên

Năm qua được xem là năm khó khăn nhất của ngành bán lẻ hàng điện máy, hàng công nghệ. Do đó, các hệ thống bán lẻ đều gặp khó khăn, phải tinh gọn bộ máy và Thế Giới Di Động cũng không ngoại lệ khi cắt giảm gần 10.000 nhân viên.

Làm cách nào để có năng lực kinh tế tốt hơn?
Làm cách nào để có năng lực kinh tế tốt hơn?

Khoảng 75% ý kiến cho rằng bắt đầu công việc kinh doanh riêng hoặc làm công việc tự do là cách để có năng lực kinh tế tốt hơn. Hơn 8 trên 10 người tham gia khảo sát tại Việt Nam (82%) hiện đang thực hiện các bước để có “năng lực kinh tế cao hơn”.

Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương
Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương

Trong thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều đoàn bác sĩ nội trú về huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tạo cơ hội cho người dân tại đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu
Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu

Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn rất bấp bênh, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, năm 2024, cần phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024
Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024

Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - sàn HOSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội diễn ra ngày 19/4/2024 tại TP.HCM.