Năm 2017, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đề ra; trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện.

Kết quả đó là thành quả của đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay từ những ngày đầu năm, tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông thị trường, đầu tư hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ cao nên đã tạo môi trường thuận lợi, tăng niềm tin, phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù sáng tạo của bà con nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết sản xuất gắn với thị trường.

Ngành nông nghiệp: Tháo gỡ 5 điểm nghẽn - Hình 1

Ảnh minh họa

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là trong phòng chống thiên tai, chung sức giúp người nuôi lợn khi giá cả bất lợi và nỗ lực, hành động quyết liệt, sát thực tiễn trong thực hiện cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới của toàn ngành.

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, cơ cấu lại nông nghiệp đạt kết quả chưa đồng đều, vẫn còn địa phương lúng túng trong triển khai và kết quả chưa rõ ràng. Năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân được cải thiện chậm.

Thứ hai, biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra ngày càng nhiều và phức tạp, nhưng vẫn có sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở một số địa phương trong công tác phòng, chống nên thiệt hại lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành và cơ sở vật chất, đời sống của người dân.

Thứ ba, công nghiệp chế biến chậm phát triển; công tác nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập nên đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu ở một số sản phẩm (thịt lợn, dưa hấu), nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.

Thứ tư, hội nhập quốc tế sâu rộng tiếp tục đem lại nhiều thách thức cho hàng nông sản (ví dụ, việc EU “Rút thẻ vàng” đang là thách thức lớn với thủy sản Việt Nam). Tình trạng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, phá rừng và khai thác thủy sản trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Thứ năm, vốn đầu tư cho ngành và cho Bộ thấp hơn nhiều so với nhu cầu, nhất là vốn hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành; trong Kế hoạch trung hạn 2016 - 2020, một số dự án ODA thiếu vốn nước ngoài, nguy cơ bị chậm tiến độ so với hiệp định đã ký.

Năm 2018, tình hình thế giới, khu vực, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi tăng trưởng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng, nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn…

Đó vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để nông nghiệp nước ta thực hiện cơ cấu lại quyết liệt hơn, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và có nhiều quyết sách tạo thuận lợi hơn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những kết quả tích cực của kinh tế cả nước và của ngành năm 2017 - sẽ tác động tích cực, tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường, tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; xu hướng bảo hộ và gia tăng rào cản thương mại trên thế giới, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và những yếu kém nội tại của ngành chậm được khắc phục… tiếp tục là những khó khăn, thách thức lớn, đòi hỏi vừa phải có những giải pháp ứng phó trước mắt kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài và nỗ lực to lớn của toàn ngành nông nghiệp để đạt mục tiêu chủ yếu.

Đó là: Tiếp tục cơ cấu lại và đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản. Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Bảo đảm ông tác thủy lợi và phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Minh Anh