Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bộ (NN&PTNT), lúa gạo và rau quả là hai nhóm ngành hàng có kết quả sản xuất cao nhất trong quý I. Trong đó, ngành lúa gạo vừa được mùa vừa được giá, sản lượng lúa đạt khoảng 9,1 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022; năng suất lúa đạt 67,1 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha. Giá lúa trong nước tăng và gạo xuất khẩu ở mức cao 530 USD/tấn. Nhóm rau quả đạt tốc độ tăng trưởng từ 1,9 - 27,8%.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà ngành nông nghiệp phải đối mặt đến từ thị trường, cả trong nước và nước ngoài. Năm 2022 xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,53 tỷ USD, giá trị xuất khẩu quý I đã giảm 14,4%, trong đó thủy sản giảm 29% (mức giảm mạnh nhất), lâm sản giảm 28%. Sức mua thị trường trong nước giảm kể từ sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, giá cả vật tư nông nghiệp tiếp tục ở mức cao, tuy không tăng mạnh như năm 2021 và 2022 nhưng vẫn là một trở ngại lớn của ngành.
Bước sang quý II, ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ với những mục tiêu khó khăn hơn, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng (VA) toàn ngành 2,9 - 3,0%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 14 tỷ USD.
Trước tình hình đó, tại buổi giao ban quý I của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ đạo: Trước khó khăn, thách thức càng đòi hỏi chúng ta càng phải “dốc hết sức” thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh; kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển.
Để đạt được kết quả này, toàn ngành sẽ tập trung vào 05 nhóm giải pháp bao gồm: Đảm bảo nguồn cung đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chú trọng đến chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; Tiếp tục tháo gỡ thị trường; Giảm thiểu tác động của dịch bệnh; Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; và Tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai Nghị định 105/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
“Bộ NN&PTNT xác định năm 2023 rất khó khăn nên việc điều hành thị trường xuất khẩu phải rất linh hoạt. Tăng trưởng ngành nông nghiệp 03 tháng đầu năm đạt 2,52% là một dấu hiệu tích cực, so với cả năm 2022 đạt 2,4%. Hiệu quả của người trồng lúa ở Đồng bằng song Cửu Long đã được khẳng định. Giải ngân đầu tư công cao hơn toàn quốc cho thấy kết quả tập trung hơn vào đầu tư hạ tầng, hệ thống logistics nông nghiệp vốn đang yếu, đây là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả, quy mô hàng hóa cao, đáp ứng được nhiều thị trường”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tại buổi họp báo quý I.
Trong thời gian tới, thẻ vàng IUU tiếp tục là một điểm nóng và là bài toán cam go, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ trực tiếp họp và đã đưa ra 02 Kết luận, 01 Quyết định về vấn đề này. Sau các chuyên đề về xử phạt, truy xuất nguồn gốc, quản lý và giám sát tàu cá, ngành thủy sản phải đạt hội nghị chung, các địa phương phải báo cáo tiến độ, đầu tư nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị để quyết tâm gỡ thẻ vàng.
Minh Anh (t/h)