Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố diễn biến rất phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhằm đối phó với lực lượng chức năng.

Hoạt động buôn bán hàng hóa thông qua thương mại điện tử, mạng xã hội vẫn rất khó kiểm soát. Những mặt hàng kinh doanh nhạy cảm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là loại hàng hóa khó kiểm soát, do chưa được pháp luật quy định cụ thể, hiện chưa có chế tài xử lý chính thức.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND TP. Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo đó, trong năm đơn vị kiểm tra, xử lý 5.124 vụ việc vi phạm; tổng số tiền xử lý vi phạm 143,641 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 70,565 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 43 vụ vi phạm để xử lý theo thẩm quyền. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 86,870 tỷ đồng (đạt 127% so chỉ tiêu được giao).

Liên quan đến công tác kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, trong năm, Cục Quản lý thị trường thành phố đã phát hiện 617 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 9,6 tỷ đồng; trị giá tang vật vi phạm khoảng 3,6 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là vụ việc kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại kho hàng, do bà Nguyễn Hoàng Mai Ly (Mailystyle) là chủ cơ sở kinh doanh. Lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 126.603 sản phẩm hàng hóa tiêu dùng các loại, trị giá hàng hóa vi phạm trên 20 tỷ đồng.

Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 980 vụ việc vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 14,9 tỷ đồng; giá trị tang vật vi phạm 13,9 tỷ đồng.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phối hợp kiểm tra lô hàng hóa vi phạm
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phối hợp kiểm tra lô hàng hóa vi phạm

Ông Chu Xuân Kiên kiến nghị, đề xuất: Các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật, tránh chồng chéo, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật;

Kiến nghị Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường có những văn bản hướng dẫn chuyên môn trong trường hợp kinh doanh phân phối rượu để Cục áp dụng biện pháp xử lý đúng quy định. Cần có quy định siết chặt buôn bán qua thương mại điện tử và chế tài, gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh chuyển phát nhanh, nâng cao tính minh bạch của trang website bán hàng online, để ngăn chặn trình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua chuyển phát nhanh;

Đối với các hộ kinh doanh online tại nhà cần phải đăng ký kinh doanh, để các cơ quan chức năng có thể nắm bắt, xử lý mà không vi phạm về Luật nhà ở;

Đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường sớm hoàn thiện hệ thống có thể tra cứu dữ liệu vi phạm của các Cục, địa phương theo ngành hàng, nhóm mặt hàng, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý;

Kiến nghị các cơ quan tố tụng có thể xem xét xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh khí N2O theo tính chất vi phạm hoặc hậu quả, công khai kết quả xử lý để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa, răn đe các đối tượng vi phạm có hành vi tái phạm hoặc vi phạm mới;

Về việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương, Cục Quản lý thị trường Hà Nội được chuyển giao về các địa phương để thực thi công vụ, đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và vận hành hệ thống trong mô hình mới, nhằm vừa tiếp tục hoàn thành tốt trách nhiệm của quản lý thị trường, vừa đảm bảo mô hình tinh gọn, hiệu quả. Việc chuyển giao cần tạo sự kết nối các cấp, các ngành, để phát huy hiệu quả công tác.

Nguyễn Kiên