Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm

Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chủ động nắm bắt diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, để có kế hoạch đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kịp thời tham mưu Trưởng ban Chỉ đạo 389 Thành phố chỉ đạo các sở, ngành thành viên và ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã triển khai hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương; rà soát, tổng hợp, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để có kiến nghị, đề xuất cấp trên điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời, Cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố tăng cường công tác tuyên truyền đấu tranh, xử lý vi phạm về hành lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn...

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết:

Trong 6 tháng đầu năm, thủ đoạn làm giả và xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu hàng hóa trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Việc giám sát, thẩm tra, xác minh của lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều trở ngại khi các đối tượng thay đổi phương thức kinh doanh từ cửa hàng truyền thống chuyển sang bán hàng trên môi trường thương mại điện tử như lazada, shopee và các trang mạng xã hội (tiktok, zalo, facebook…).

Các đối tượng sử dụng địa chỉ giả hoặc không đưa địa chỉ cụ thể nhằm chống đối các cơ quan chức năng, gây khó khăn trong quá trình thẩm tra, xác minh, giám sát.

Các nhóm hàng, hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là: Buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu, hàng cấm nhập khẩu, hàng hóa không được phép lưu hành…); tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử, khoáng sản…; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như mặt hàng thời trang, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng; các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả cao, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội đưa ra một số kiến nghị sau.

Một là, đối với Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của đề án, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiến nghị Tổng cục Quản lý thị trường có báo cáo, kiến nghị Bộ Công Thương nhanh chóng thông qua kế hoạch triển khai thực hiện đề án trên, để có chỉ đạo cụ thể, hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho các cục quản lý thị trường thực hiện, làm căn cứ hoàn thành các chỉ tiêu mà đề án đặt ra.

Hai là, Tổng cục Quản lý thị trường báo cáo cấp có thẩm quyền nhanh chóng hoàn thiện các quy định liên quan đến việc kinh doanh bóng cười, thuốc lá điện tử; đồng thời tăng nặng mức xử lý vi phạm với các mặt hàng shisha, bóng cười, thuốc lá điện tử nhằm đảm bảo tính răn đe cao.

Ba là, Tổng cục Quản lý thị trường có hướng dẫn việc sử dụng biểu mẫu để lực lượng Quản lý thị trường có thể chủ động lấy mẫu xăng dầu.

Bốn là, để ngăn chặn trình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua chuyển phát nhanh cần có một quy định siết chặt buôn bán qua thương mại điện tử và chế tài gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh chuyển phát nhanh, nâng cao tính minh bạch của các trang web bán hàng online. Đối với các hộ kinh doanh dưới hình thức online tại nhà, cũng cần phải đăng ký kinh doanh để các cơ quan chức năng có thể nắm bắt, xử lý mà không vi phạm về Luật Nhà ở.

Năm là, đối với hệ thống INS: Vì hồ sơ dữ liệu đưa lên rất lớn, quá trình nhập mất rất nhiều thời gian, cần có hướng dẫn cụ thể việc nhập hồ sơ tài liệu cần scan đưa lên hệ thống INS.

Tổng cục Tổng cục Quản lý thị trường xem xét cần sớm hoàn thiện hệ thống để có thể tra cứu số liệu, dữ liệu của từng đội quản lý thị trường trên địa bàn cả nước, phân loại theo hành vi vi phạm, nhóm mặt hàng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính, trị giá hàng hóa vi phạm.

Sáu là, cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 8/5/2015 về việc quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; cần sớm hoàn thiện, sửa đổi cơ chế ràng buộc giữa cơ quan chuyển giao với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự khi xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, để tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm, hoặc có cơ quan chuyển giao nhưng không xác định được cơ quan tiếp nhận...

Nguyễn Kiên