Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, năm 2024, toàn ngành quản lý thị trường thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ; phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2% so cùng kỳ năm trước); thu nộp ngân sách Nhà nước trên 541 tỷ đồng (tăng 8% so cùng kỳ năm trước). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng.
Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục triển khai Đề án 319 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thành lập Tổ thương mại điện tử tại 64 đơn vị nghiệp vụ tại các địa phương, nhằm chủ động nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến các vụ việc về thương mại điện tử.
Theo đó, trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266 % so năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220 % so năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440 % so năm 2023).
Trong đó, nổi bật là các vụ việc: Kiểm tra Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Kim Hương Dinh tại tỉnh An Giang, phát hiện lô sản phẩm trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá gần 1 tỷ đồng;
Kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store, tại thành phố Cà Mau, phát hiện và tạm giữ 10 tấn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa nhập lậu trị giá trên 1 tỷ đồng. Cơ sở này chủ yếu bán qua hình thức livestream trên facebook;
Kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh Công ty Cổ phần tập đoàn ZENPALI, kinh doanh trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá trị trên 1,1 tỷ đồng. Cơ sở này bán hàng trên tài khoản Tiktok “Phan Thủy Tiên”...
Bên cạnh đó, năm 2024, toàn ngành quản lý thị trường phát hiện, xử lý 5.430 vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chuyển cơ quan điều tra 102 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 76 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 38 tỷ đồng.
Đối với một số lĩnh vực khác như an toàn thực phẩm, lượng lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý 9.074 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 57,9 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 62 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng vàng, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý 953 vụ, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 23,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 29 tỷ đồng...
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Hồng Diên cho rằng, năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên biểu dương những kết quả mà ngành này đạt được trong năm qua.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị thời gian tới, ngành quản lý thị trường cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Tiếp tục quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, cùng với khuyến nghị của các bộ, ngành liên quan và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh;
Tích cực, chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động công vụ: Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và kinh doanh mặt hàng vàng; đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử; thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu;
Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là trong các dịp lễ, Tết, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ;
Tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử; Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tăng cường công tác hậu kiểm trong quản lý hoạt động thương mại điện tử;
Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành và ý thức chấp hành pháp luật của công chức trong toàn lực lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ;
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của ngành; đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.
Đối với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của lực lượng quản lý thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các cục quản lý thị trường địa phương cần quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị và yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ và của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần phát huy cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Toàn lực lượng cần làm thật tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác cán bộ, nhất là việc bố trí, sắp xếp và thực hiện chính sách cán bộ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong toàn lực lượng và từng cơ quan, đơn vị.
Toàn lực lượng quản lý thị trường cần xác định việc sắp xếp tổ chức bộ máy là việc cần làm và phải làm ngay, nhưng phải làm khách quan, dân chủ, khoa học, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhằm giảm thiểu sự chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị.
Người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu toàn ngành quản lý thị trường tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã được ban hành, bảo đảm ổn định thị trường, phục vụ tốt nhu cầu Nhân dân vui Xuân đón Tết lành mạnh.
Nguyễn Kiên