(TH&CL) Trong khi thị trường trong nước bị thu hẹp, các nhà máy phải cắt giảm công suất, có rất nhiều DN thép đang kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, giúp cho cánh cửa xuất khẩu được mở rộng hơn, cải thiện đáng kể tình hình tiêu thụ tôn thép.
Đối mặt nhiều thách thức
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến. Tổng tiêu thụ thép chỉ đạt từ 12,2 - 12,5 triệu tấn, tăng 3 -5% so với năm 2013. Do công suất sản xuất thép dư thừa, tiêu thụ trong nước chậm, cạnh tranh giữa các DN sản xuất thép ngày càng khốc liệt, nên dự báo sẽ có thêm DN trong ngành này phải ngừng sản xuất.
Bộ Công thương cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2014, lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283,1 nghìn tấn, giảm 26,5%, thép thanh, thép góc đạt 430 nghìn tấn, giảm 4,7%, so với cùng kỳ năm 2013.
Thống kê của Viện gang thép Đông Nam Á (SEAISI), năm 2013, Việt Nam là nước có số lượng lớn nhất các dự án thép mới trong khu vực ASEAN. Điều này sẽ làm tăng nguồn cung các sản phẩm, trong khi sức mua nội địa còn yếu dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt hơn. Bên cạnh sự mất cân đối về cung cầu, các DN còn phải đối mặt với các sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Theo nhận định của ông Lê Phước Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2014, với định hướng điều hành kinh tế vĩ mô giảm đầu tư công cùng với tình trạng đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản thì lĩnh vực vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Khi xuất khẩu thép, các DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng giá trẻ của Trung Quốc. Thêm vào đó, các sản phẩm thép của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu tại các thị trường quốc tế và khu vực, do vậy sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi phát triển tại các thị trường mới. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế các nước vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng, thì chính phủ các nước đang có xu hướng thiết lập hàng rào thương mại thông qua các hình thức chống bán phá giá và tự vệ thương mại để bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh trên, theo ông Lê Phước Vũ, các DN nên tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình, đồng thời xây dựng đồng bộ lợi thế cạnh tranh cho DN. Cụ thể, về sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Ngoài ra, các DN cần xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả hợp lý; thiết lập kênh phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để có thể nắm được lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ.
Mở rộng hướng từ TPP
Bên cạnh việc khẳng định vị thế trên sân nhà, DN thép Việt Nam nên tận dụng tối đa các ưu thế về sản xuất và phân phối sản phẩm, cũng như các cơ hội trên thị trường quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
Theo các chuyên gia kinh tế, tới đây khi Việt Nam tham gia TPP, các DN thép của Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sắt thép, lượng sản phẩm tiêu thụ tăng lên, giảm bớt lượng hàng tồn kho trong nước, đặc biệt là mức thuế suất sẽ giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành thép đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào “sân chơi” lớn này và sẽ tận dụng tối đa những cơ hội mà TPP đem lại.
Dự kiến, trong thời gian tới, thị trường thép sẽ có chuyển biến tích cực khi thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng trưởng, các công trình xây dựng đi vào hoạt động.
Theo đó, Bộ Công thương khuyến cáo, các DN thép cần tận dụng các ưu thế về sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tối thiểu hóa chi phí để có giá cạnh tranh, đồng thời xây dựng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
Hoan Nguyễn