Ảnh minh họa
Theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán SSI, sau một năm lạc quan với mức tăng trưởng sản lượng thành phẩm đạt 10% trong năm 2018, sản lượng tiêu thụ thép duy trì hiệu suất ổn định trong 4 tháng đầu năm 2019 với tổng mức tăng trưởng sản lượng đạt 11%. Sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 15% nhờ các hoạt động xây dựng từ các dự án của các năm trước và việc giá thép phục hồi khuyến khích các đại lý tích lũy hàng tồn kho.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2019, nhu cầu giảm đáng kể với tổng sản lượng tiêu thụ không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng tiêu thụ trong nước tăng vừa phải ở mức 3,5%. Nhìn chung, sản lượng tiêu thụ thành phẩm trong 11 tháng đầu năm 2019 tăng 3,5% đạt 15,4 triệu tấn, trong đó thép xây dựng đạt 9,7 triệu tấn (tăng 6,5%), còn sản lượng thép ống và tôn mạ không thay đổi đạt 5,6 triệu tấn.
Theo SSI, có hai xu hướng ảnh hưởng đến ngành thép trong năm 2019, bao gồm việc xuất khẩu bị ảnh hưởng do sự lan rộng của xu hướng bảo hộ, cùng với đó, giá thép giảm do nhu cầu và xu hướng giá toàn cầu giảm, dẫn đến thua lỗ ở một số công ty sản xuất thép xây dựng.
Bước sang năm 2020, trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.
Tuy nhiên, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây chính thức áp dụng mức thuế nhập khẩu lên đến 456% đối với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc cho thấy xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục được các nước sử dụng và sẽ gây áp lực cạnh tranh lên ngành thép trong thời gian tới.
Theo SSI, ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành thép tiếp tục ở mức từ 5-7% trong năm 2020 do sự trì trệ ở thị trường bất động sản cùng với đầu tư công chậm. Tuy nhiên, việc gia tăng giải ngân nguồn vốn FDI có thể là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu thép.
SSI cũng cho rằng năm nay, xu hướng chiếm lĩnh thị phần có thể tăng tốc, nhưng áp lực giảm giá thép không quá lớn.
Trong năm 2020, cũng cần lưu ý đến một rủi ro xuất phát từ nhu cầu chậm lại của thị trường Trung Quốc. Theo SSI, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép ở các công ty sản xuất lớn nhất thế giới và có tác động gián tiếp đến giá thép trong nước ở Việt Nam.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu thép ở Trung Quốc trong năm 2020 ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ước tính là 7,8% trong năm 2019. Do đó, tổng mức tăng trưởng nhu cầu thép thế giới ước tính đạt 1,7% trong năm 2020, giảm từ 3,9% trong năm 2019.
Công suất tăng trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thép xây dựng, có thể gia tăng sức ép cạnh tranh cho thị trường Việt Nam và làm giá thép trong nước biến động mạnh hơn.
Ngọc Lan