Theo tài liệu của CQĐT, đường dây “chạy” thương binh do Tạ Thị Vân (trú phường Hưng Bình, TP. Vinh) cầm đầu hoạt động từ khoảng năm 2012 đến cuối năm 2014. Đường dây này thông qua khoảng 10 “chân rết” tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nhận tiền “chạy” chế độ cho khoảng hơn 1.200 người. Trong đó, mỗi hồ sơ “chạy” thương binh trung bình tốn khoảng 30 triệu đồng.
"Trùm" Tạ Thị Vân và "chân rết" Hồ Thanh Tùng trong đường dây chạy 1.200 hồ sơ thương binh
Mánh khóe của các đối tượng trong đường dây là tạo niềm tin với nạn nhân bằng việc giới thiệu mình có quan hệ quen biết với những lãnh đạo các cấp trong việc làm chế độ chính sách. Những đối tượng này "ru" các nạn nhân là có thể “chạy” nâng hạng thương binh, chế độ thương binh, chất độc da cam để được hưởng chế độ nhiều hơn. Tin lời, nhiều cựu chiến binh đã rủ nhau gom hồ sơ, tiền bạc cho các đối tượng trên.
Chờ nhiều năm nhưng không được hưởng chế độ chính sách như đã được hứa, nhiều người dân đã tìm đến các chân rết này để hỏi đồng thời viết đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Phúc Hồng khai là người nhận hơn 260 hồ sơ của người dân. Trung bình mỗi hồ sơ "chạy” thương binh, ông Hồng lấy của người dân 30 triệu đồng nhưng giữ lại hơn 8 triệu đồng tiền chênh lệch. Tổng số tiền ông bỏ túi là hơn 2 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 20/10/2016, Tạ Thị Vân - đối tượng cầm đầu đường dây bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Đến ngày 5/2/2018, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên toàn xét xử Tạ Thị Vân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tuyên phạt bị cáo 14 năm tù giam.
Để giải quyết triệt để vụ án, xác minh số tiền cả hai chiếm đoạt cũng như vai trò của từng đối tượng, công an tiếp tục truy bắt Hồ Thanh Tùng (60 tuổi, trú xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), một chân rết khác đang trốn lệnh truy nã. Đến ngày 8/3/2018, Hồ Thanh Tùng đã bị bắt giữ.
Vụ án đang được Công an Nghệ An tiếp tục điều tra làm rõ các đối tượng trong đường dây "chạy" thương binh trên.
Lê Quyết