Quan tâm đầu tư phần mềm
Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đến nay, 100% DN trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều đã sử dụng email trong trao đổi công việc, chào bán sản phẩm, giao kết hợp đồng và kê khai thuế qua mạng. Có trên 80% DN đã quan tâm đầu tư xây dựng website, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), hoặc ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo để quảng bá, giới thiệu, mua bán sản phẩm, dịch vụ.
Theo khảo sát nhanh của Sở Công Thương, tại các khách sạn lớn ở Nghệ An như Mường Thanh, Thượng Hải, Giao tế, Nhà khách Nghệ An, Vinh plaza... thì, hình thức TMĐT đang chiếm ưu thế so kinh doanh truyền thống. Cụ thể, có trên 80% lượng khách đặt phòng và các dịch vụ kèm theo thông qua phương tiện điện tử như điện thoại, email, website riêng của công ty và các cổng thông tin cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến như agoda.com, chudu24.com...
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư các phần mềm chuyên dùng phục vụ sản xuất, kinh doanh như phần mềm quản lý khách hàng, phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán Misa, phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý khách sạn thông minh...
Tính đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ 21 huyện, thành phố, thị xã mở các gian hàng cấp huyện trên sàn giao dịch với hơn 300 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP được đăng tải;tổ chức tập huấn bàn giao tài khoản quản trị gian hàng để các huyện, thành phố, thị xã chủ động, kịp thời cập nhật các thông tin, hình ảnh, giá bán về các sản phẩm, dịch vụ của địa phương, cũng như quảng bá thương hiệu, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa qua kênh TMĐT.
Ngoài sàn giao dịch TMĐT Nghệ An - do Sở Công Thương quản lý, trên địa bàn tỉnh, còn có nhiều sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều DN và người tiêu dùng tham gia như Sàn giao dịch chovinh.com - Công ty CP Golden City, Sàn chonhadatvinh.com - Công ty CP Phần mềm Gruu, Sàn giao dịch BĐS Vinh bdsvinh.com.vn - Công ty TNHH Bất động sản KKBS…
Sở Công Thương phối hợp với một số sàn TMĐT trong nước hỗ trợ mở gian hàng cho các DN, đơn vị, tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản, thủy sản trong tỉnh trên các sàn TMĐT như Voso, Sàn postmart.vn…; các sản phẩm chính được rap bán chính như mỳ rau củ, dược liệu, thực phẩm, hải sản đông lạnh…
Đồng thời, Sở Công Thương chỉ đạo các chuỗi cửa hàng lớn tại Nghệ An, cũng như trên cả nước (Vinmart, Vinmart+, siêu thị bigC, siêu thị MM Mega Market, các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng mini thực phẩm sạch…) tăng cường bán hàng trực tuyến, qua đó, đã có lượng giao dịch lớn các sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đưa sản phẩm tiêu biểu lên sàn
Theo Sở Công Thương, số hộ sản xuất nông nghiệp Nghệ An được đưa lên các sàn TMĐT là 266.373 hộ; tổng số sản phẩm được đưa lên sàn là 7.878 sản phẩm. Theo đó, Nghệ An xếp thứ 4 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn.
Sở Công Thương đã hỗ trợ tổ chức, đơn vị xây dựng hơn 18 website TMĐT; đồng thời, hỗ trợ 3 đơn vị phát triển thương hiệu trực tuyến bằng hình thức xây dựng các clip phát trên các nền tảng số, thông qua xây dựng các phim quảng cáo, phim ngắn giới thiệu DN; tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 200 lượt học viên và cán bộ quản lý nhà nước, DN, HTX, làng nghề… và người dân miền Tây Nghệ An về kiến thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Sở Công Thương đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, cơ quan này đã phối hợp với Viettel Nghệ An triển khai mô hình “Chợ 4.0” nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và thanh toán nói riêng tại các chợ trên địa bàn. Sau quá trình triển khai thí điểm tại 6 chợ (chợ Vinh, chợ Giát, chợ Đô Lương, chợ Ga Vinh, chợ Hôm, chợ Tân Thành), bước đầu đã thu được nhiều kết quả khả quan với hơn 1.300 tiểu thương tham gia kết nối, 4.000 giao dịch và dòng tiền trao đổi hơn 12 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được các ngân hàng triển khai rộng rãi, phổ biến đến tận các cơ sở, hộ kinh doanh. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm.
Không chỉ tham gia sàn TMĐT hay sử dụng website của mình để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhiều đơn đơn vị, DN, chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã ứng dụng lợi thế các trang mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo…) để quảng bá, tương tác, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. Đây chính là giải pháp, góp phần đưa số hóa len lỏi vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất, từ đó thúc đẩy phát triển các hình thức giao thương đa dạng.
Việc ứng dụng TMĐT trong Nhân dân, ngày càng tăng nhanh. Một số dịch vụ giá trị gia tăng như giải trí, đào tạo, tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, học trực tuyến, các dịch vụ tiện ích (tra cứu điểm thi, đăng ký học tại các trường...), đã bước đầu tạo được nhu cầu ứng dụng trong Nhân dân.
Thông qua những hoạt động nêu trên, đã góp phần thúc đẩy ứng dụng - phát triển TMĐT và kinh tế số tại Nghệ An. Chỉ số xếp hạng TMĐT, Nghệ An nhiều năm liền trong Top khá cả nước. Mới đây nhất, tại Diễn đàn toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2022 tổ chức tại TP. HCM, Nghệ An xếp thứ 15 trên bảng xếp hạng và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ(tăng 3 bậc so 2021)…
Lê Quyết