Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 3/7/2024.

Theo quy hoạch này, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão được xác định là yếu tố hạ tầng quan trọng cho ngành thủy sản, kinh tế - xã hội, và an sinh xã hội. Đây là một trong ba chiến lược đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân.

Mục tiêu đến năm 2030 là hoàn thiện và đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên toàn quốc. Hệ thống này sẽ liên kết các vùng, hiện đại hóa và công nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời gia tăng giá trị khai thác.

Cụ thể, hệ thống cảng cá có khả năng xử lý 2,98 triệu tấn thủy sản mỗi năm. Hệ thống khu neo đậu đảm bảo an toàn cho hơn 83.600 tàu cá trong điều kiện bão lũ.

An hiện có 3.624 tàu thuyền khai thác thủy sản.
An hiện có 3.624 tàu thuyền khai thác thủy sản.

Tại Nghệ An, quy hoạch bao gồm 7 cảng cá và 5 khu neo đậu tránh trú bão. Trong đó, có 3 cảng cá loại I, 2 cảng cá loại II và 2 cảng cá loại III.

Ba cảng cá loại I gồm: Cảng cá Cửa Hội (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò): Đón 120 tàu cá dài tối đa 40m mỗi ngày, xử lý 25.000 tấn thủy sản/năm. Cảng cá Lạch Quèn (xã Tiến Thủy và Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu): Đón 200 tàu cá dài tối đa 35m mỗi ngày, xử lý 30.000 tấn thủy sản/năm. Cảng cá Lạch Cờn (phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai): Đón 120 tàu cá dài tối đa 35m mỗi ngày, xử lý 25.000 tấn thủy sản/năm.

Hai cảng cá loại II gồm: Cảng Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc và Diễn Bích, huyện Diễn Châu): Đón 100 tàu cá dài tối đa 24m mỗi ngày, xử lý 15.000 tấn thủy sản/năm. Cảng Lạch Lò (phường Nghi Tân và Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò): Đón 50 tàu cá dài tối đa 30m mỗi ngày, xử lý 15.000 tấn thủy sản/năm.

Hai cảng cá loại III gồm: Cảng Quỳnh Nghĩa (xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu): Đón 20 tàu cá dài tối đa 24m mỗi ngày, xử lý 3.000 tấn thủy sản/năm. Cảng Lạch Thơi (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu): Đón 20 tàu cá dài tối đa 24m mỗi ngày, xử lý 3.000 tấn thủy sản/năm. Nghệ An cũng được quy hoạch 5 khu neo đậu tránh trú bão, gồm 2 khu cấp vùng và 3 khu cấp tỉnh.

Hai khu cấp vùng gồm: Lạch Quèn (xã Tiến Thủy và Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu): Sức chứa 1.000 tàu cá dài tối đa 35m. Lạch Cờn (phường Quỳnh Phương, Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện và xã Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai): Sức chứa 1.000 tàu cá dài tối đa 35m.

Ba khu cấp tỉnh gồm: Lạch Vạn (xã Diễn Kỷ, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Bích và Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu): Sức chứa 650 tàu cá dài tối đa 24m. Lạch Lò (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc): Sức chứa 600 tàu cá dài tối đa 24m. Lạch Thơi (xã Sơn Hải và Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu): Sức chứa 350 tàu cá dài tối đa 24m.

Theo quy hoạch, cảng cá Lạch Quèn và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Cờn sẽ được ưu tiên nâng cấp trong thời kỳ 2021-2030.

Theo số liệu của Chi cục Thuỷ sản và Kiểm ngư Nghệ An cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh đạt gần 107 nghìn tấn/kế hoạch 188.000 tấn, đạt 56,9% so với kế hoạch năm, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị kinh tế hơn 2.000 tỷ đồng.

Nghệ An hiện có 3.624 tàu thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký, có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên là 2.727 chiếc. Tổng số lao động khai thác hải sản toàn tỉnh hơn 11 nghìn người. Trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 7.460 người, vùng lộng là 1.904 người, vùng bờ là 1.729 người. Ngư dân Nghệ An đánh bắt hải chủ yếu bằng các nghề: Lưới chụp, lưới kéo, lưới vây, pha xúc, câu.

Việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng là một trong ba chiến lược đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân.

Lê Quyết