Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa quy hoạch KKT Đông Nam thành khu vực tăng trưởng đột phá, đa ngành, đa lĩnh vực. Đây sẽ là trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ, với trọng điểm phát triển công nghiệp cơ bản và khai thác hiệu quả Cảng biển Cửa Lò, Cảng biển Đông Hồi, tạo kết nối với các khu vực lân cận như thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai và Cửa Lò.

Xây dựng và phát triển KKT Đông Nam (hiện tại và mở rộng) thành khu vực động lực tăng trưởng, đột phá phát triển theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự kiến nhu cầu nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng giai đoạn 2023-2028 khoảng 60.326 tỷ đồng. Nhu cầu vốn xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung trong khu kinh tế khoảng 96.426,638 tỷ đồng.

KKT Đông Nam Nghệ An
KKT Đông Nam Nghệ An

Một số giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện theo kế hoạch: Tiếp tục đề xuất, khai thác tối đa, hiệu quả vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho KKT Đông Nam hàng năm để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu trong KKT Đông Nam mở rộng. Chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương liên quan để bổ sung nguồn lực thực hiện những định hướng lớn như Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An, các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu kế hoạch thực hiện quy hoạch phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển. Làm cơ sở lựa chọn đầu tư có trọng tâm, không dàn trải, tập trung cho các dự án trọng điểm, hạ tầng khung, tạo động lực phát triển cho KKT Đông Nam và tỉnh Nghệ An.

Dự kiến nhu cầu nguồn vốn cho từng giai đoạn đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch. Đề xuất các cơ chế chính sách, xác định nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch. Xác định rõ nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể, đúng chức năng, lĩnh vực được giao quản lý, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả, đúng tiến độ giữa các Sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan.

UBND tỉnh đề xuất khai thác tối đa vốn ngân sách Trung ương, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút các nguồn vốn ODA. Các hình thức đầu tư PPP cũng được khuyến khích để phát triển các công trình hạ tầng quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Kế hoạch cũng tập trung vào việc tạo nguồn thu bền vững để cân đối ngân sách địa phương và xây dựng hạ tầng trong KKT.

Ban Quản lý KKT Đông Nam sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương để theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các Sở như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, và các huyện, thị xã cũng được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và kế hoạch phối hợp chặt chẽ với KKT Đông Nam nhằm thu hút đầu tư và triển khai các dự án trọng điểm.

UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với Ban Quản lý KKT Đông Nam trong việc quản lý các quy hoạch đã được phê duyệt, công bố, công khai, cắm mốc và bàn giao theo quy định. Chủ trì lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai, thu hút các dự án đầu tư. Phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện lồng ghép các quy hoạch của địa phương với Kế hoạch thực hiện Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 để phát huy hiệu quả.

Theo Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 15/2/2023, Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An có tổng diện tích 20.776,47ha, gồm 3 khu vực.

Khu vực 1: Quy mô diện tích lập quy hoạch là 18.826,47ha, gồm diện tích tự nhiên của 10 xã thuộc huyện Nghi Lộc, gồm các xã: Nghi Hợp (nay thuộc xã Khánh Hợp), Nghi Xá, Nghi Long, Nghi Đồng, Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Quang, Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Yên và 6 xã thuộc huyện Diễn Châu, gồm: Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn An, Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn Phú và 2 phường thuộc thị xã Cửa Lò là Nghi Thủy, Nghi Tân.

Khu vực 2: Quy mô diện tích lập quy hoạch 1.200ha, tập trung phát triển công nghiệp, gồm toàn bộ diện tích khu công nghiệp Hoàng Mai và khu công nghiệp Đông Hồi thuộc các xã Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Vinh và phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai). Trong đó, khu công nghiệp Hoàng Mai I có diện tích 264,77ha, khu công nghiệp Hoàng Mai II có diện tích 335,23ha, khu công nghiệp Đông Hồi có diện tích 600ha.

Khu vực 3: Quy mô diện tích lập quy hoạch 750ha, gồm toàn bộ diện tích khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An thuộc xã Hưng Đạo, xã Hưng Tây và thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên); xã Hưng Chính (TP. Vinh).

An Nguyên (t/h)