Sáng 24/3 (tức 15/2 âm lịch), huyện Quế Phong tổ chức khai lễ Đền Chín Gian năm 2024, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Sáng 24/03 (tức 15/2 âm lịch), huyện Quế Phong tổ chức khai lễ Đền Chín Gian năm 2024.

Lễ hội Đền Chín Gian (thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) được tổ chức 03 năm một lần vào tháng 8 âm lịch. Từ năm 2006, Lễ hội Đền Chín Gian với quy mô hoành tráng được tổ chức trở lại vào trung tuần tháng Hai Âm lịch hằng năm.

Năm nay, lễ hội được tổ chức từ ngày 23/03 đến ngày 25/03/2024 (tức ngày 14/2 đến ngày 16/2 năm Giáp Thìn). Việc tổ chức Lễ hội Đền Chín Gian là dịp để người dân chín bản mười mường vùng Phủ Quỳ cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...

Đông đảo người dân và du khách đến tham gia lễ hội Đền Chín Gian.
Đông đảo người dân và du khách đến tham gia lễ hội Đền Chín Gian.

Lễ hội Đền Chín Gian năm nay diễn ra với nhiều hoạt động. Phần lễ, gồm: Lễ khai quang, lễ yết cáo (lễ Khẩy quan), lễ tắm trâu và lễ rước (Ạp Quái và ton Đăm-ton Thẻn), lễ chém trâu (lễ Phắn Quái), lễ đại tế (lễ Xớ Thẻ, Xớ Đăm), lễ khai mạc và lễ tạ (lễ Chà Ớn - Thào Quan).

Phần hội, người dân và du khách được hòa vào không khí tưng bừng với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hoá, thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: kéo co, bắn nỏ, ném còn, chọi gụ, đi cà kheo, thi khắc luống, cồng chiêng, thi hát đối đáp giao duyên... Cùng với đó là các phần thi trình diễn trang phục truyền thống, thi viết chữ Thái Lai Tay, ẩm thực.

Đền Chín Gian được xây dựng từ đầu thế kỷ XIV tại Pú Chò Nhàng, gọi là Tến Pỏm (đền trên núi), thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Trong tâm thức của đồng bào Thái vùng Phủ Quỳ thì đây là nơi hướng về trong tín ngưỡng tâm linh đối với Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ - người được coi là có công đầu trong việc khai mường, lập đất.

Đền có tên là “Tến Xớ Quái” (đền Hiến Trâu), nhưng vì có 9 gian nên đồng bào gọi là “tến cau hoong” (có nghĩa là đền Chín Gian), mỗi gian tượng trưng cho một mường: mường Tôn, mường Pắn, mường Chừn, mường Hin, mường Puộc, mường Quáng, mường Ha Quèn, mường Miểng, mường Chón.

Cuối thế kỷ XVIII, đền được chuyển đến Pú Căm, thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim. Năm 1927, đền được tôn tạo lại bằng nhà sàn kê, có 04 hàng cột, chín gian bằng gỗ lim, lợp tôn.

Nổi bật nhất trong sân là tượng đá tạc 9 con trâu (gồm 6 con trâu đen, 3 con trâu trắng) hướng đầu nhìn vào đền.
Nổi bật nhất trong sân là tượng đá tạc 09 con trâu (gồm 06 con trâu đen, 03 con trâu trắng) hướng đầu nhìn vào đền.

Từ năm 1927-2003, trải qua nhiều biến cố, đền bị xuống cấp và chỉ còn là phế tích. Năm 2004, đền được tôn tạo lại và đến năm 2008 được công nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh. Năm 2016, Lễ hội Đền Chín Gian được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ một lễ hội chỉ thu hút được người dân xung quanh vùng, nay lễ hội đã được người dân khắp mọi miền đất nước quan tâm và hành hương trong những ngày đầu xuân năm mới.

Lễ hội đền Chín Gian thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Quế Phong nói riêng và du khách thập phương nói chung. Về đây, du khách còn được trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng, xã Châu Kim, bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch.

Lê Quyết