Theo phản ánh của người dân địa phương, những năm gần đây, mặc dầu được cơ quan chức năng thường xuyên trục vớt nhưng rác thải, xác động vật liên tục nổi lên trên kênh Chính. Đặc biệt là đoạn chảy qua cống Ùn (còn gọi cống cây Phượng, thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), khiến nhiều người đi qua đây “nín thở”, bịt mũi.
Rác thải, xác động vật hôi thối nối thường xuyên trên dòng kênh Chính (đoạn chảy qua cống Ùn, xã Lăng Thành)
Có mặt tại đây, PV chứng kiến có đến hành chục xác động vật đang trong quá trình phân hủy nặng, bốc mùi hôi thối nổi lềnh bênh trên mặt nước. Bên cạnh đó là vô số rác thải, bao tải nghi xác động vật bên trong cũng nổi lềnh bềnh cuốn xoáy theo dòng nước.
Qua quan sát, vô số xác động vật đang phân huỷ bốc mùi hôi thối, ruồi, nhặng bâu đen kịt. Tình trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, mà còn dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi của địa phương.
Rác thải nổi lập lờ trên dòng nước
Những người dân ở đây cho biết, hiện tượng người dân phía thượng nguồn thiếu ý thức đã vứt xác động vật và trôi về đây diễn ra từ nhiều năm qua.
“Khu vực này khi nào cũng có xác động vật nhưng những năm gần đây xuất hiện rất nhiều. Có người cẩn thận thì cho vào bao tải buộc lại rồi mới vứt bỏ xuống sông. Nhưng có người thiếu ý thức, vứt nguyên con lợn đến cả tạ xuống sông mà không nghĩ đến người khác hay lây lan dịch bệnh.
Vào các ngày mưa còn đỡ, chứ ngày nắng mà đi qua đây thì chịu không nổi. Mùi hôi thối, tanh tưởi lên xông lên mũi nồng nặc, ai đi qua chứng kiến cảnh này cũng phải bịt mũi, kinh hãi”, một người dân địa phương bức xúc.
Tình trạng rác thải, xác động vật nổi tại cống Ùn xảy ra từ nhiều năm, khiến người dân rất bức xúc
Ông Hoàng Danh Thọ, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết: “Tình trạng xác chết động vật nổi trên đoạn cống Ùn thuộc địa bàn xã quản lý xảy ra thường xuyên từ nhiều năm. Kênh Chính, do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý. Việc quản lý, vận hành, điều tiết nước thế nào là do công ty này phụ trách. Nếu như đơn vị quản lý này không làm được thì cấp kinh phí cho xã để xã thuê người vớt. Chứ không nên để kéo dài tình trạng này sẽ gây ra nhiều hệ lụy”.
Được biết, kênh Chính dài 56km, đi qua 4 huyện bắt nguồn từ Bara Đô Lương và điểm cuối tại xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Kênh Chính do Xí nghiệp Thủy lợi đầu mối (thuộc Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Bắc) quản lý. Kênh Chính có nhiệm vụ cung cấp nước tưới tiêu cho các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Cách cống Ùn khoảng 20m là trạm quản lý và điều hành nước sông kênh Chính. Trạm có nhiệm vụ điều hành nước, quản lý đê điều và làm sạch lòng kênh. Tuy nhiên, tình trạng rác thải, xác động vật nổi lên thường xuyên tại khu vực cống cây Phượng vẫn không được trạm này xử lý triệt để gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí.
Thức trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, mà còn dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi của địa phương
Ông Nguyễn Văn Lệ, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi đầu mối thừa nhận, tình trạng xác động vật, rác thải do người dân vứt xuống xẩy ra thường xuyên từ khoảng chục năm nay. Công nhân thủy nông của đơn vị cũng đã thường xuyên kiểm tra, nhưng do người dân thiếu ý thức thường vứt rác vào bên đêm nên không thể phát hiện.
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp để hạn chế, ngăn chặn tình trạng người dân vứt rác thải, xác động vật trên kênh
Trước đó, ngày 5/4/2017, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc đã ra Công văn số 207 về việc triển khai ký cam kết không vứt rác, vật thải xuống hệ thống công trình thủy lợi nhằm ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, phía công ty đã tiến hành làm việc với gần 1.000 hộ dân sống 2 bên kênh Chính để ký cam kết này. Bên cạnh đó, các xí nghiệp trực thuộc cũng lập đường dây nóng, tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác thải xuống dòng kênh.
Trước tình trạng rác thải, xác động vật nổi lên thường xuyên trên dòng kênh Chính, ông Lệ cho biết, công nhân vớt không xuể, cứ 2 - 3 ngày lại dồn ứ. Nhiều khi vớt lên không có điểm để chôn nên phải dùng sào đẩy về phía cuối nguồn sau đó phối hợp với các đơn vị khác để trục vớt và đem đi chôn.
Trước thực trạng nhức nhối xảy ra từ nhiều năm qua, thiết nghĩ, đơn vị quản lý trực tiếp dòng kênh này và chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý kịp thời như vớt, chôn lấp theo quy trình, đề phòng phát dịch đối với đàn vật nuôi.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; có biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp bỏ xác động vật chết xuống lòng kênh.
Lê Quyết