Nghệ An là một trong những địa phương phải chịu cảnh hạn hán khốc liệt. Tình trạng khô hạn trên diện rộng tại các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Hưng Nguyên…
Tại những vùng này, mực nước ở hệ thống kênh thủy lợi chính đang xuống thấp nhất có thể. Để cứu lúa và hoa màu, các xã ở những địa phương này huy động nhiều loại máy bơm mini trong dân, máy bơm dã chiến và tận dụng mọi nguồn nước có thể để hút lên tưới cho các chân ruộng.
Nắng nóng kéo dài, tính đến ngày 23/6 đã có 138 ha/356 ha chè của huyện Con Cuông bị cháy lá, tập trung tại các xã Yên Khê, Chi Khê và Bồng Khê. Riêng tại bản Khe Tín, xã Yên Khê (Con Cuông) có 42ha chè công nghiệp thời kỳ thu hoạch thì có đến 30ha chè bị cháy lá, nhiều cây đã chết khô.
Toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 1.000 ha chè bị cháy sém lá, một số ít diện tích bị cháy nặng nề
Còn tại huyện Anh Sơn, hiện có trên 200ha chè công nghiệp thời kỳ kinh doanh bị cháy nắng. Mặc dù một số nơi bà con nhân dân dùng bơm tưới nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế. Nắng nóng với nhiệt độ cao khiến lá chè và cành bị khô héo. Ngoài diện tích chè, hiện diện tích mía, sắn, ngô ở Anh Sơn cũng bị khô héo, thối đọt, nguy cơ mất trắng cao. Nếu trong mười ngày tới không có mưa, nền nhiệt vẫn duy trì ở mức cao, nguy cơ cây chè công nghiệp bị chết trắng, không có khả năng hồi phục, khiến đời sống người dân sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, huyện Anh Sơn đã cử cán bộ kỳ thuật phòng nông nghiệp huyện và các xã vùng chè trực tiếp về các đồi chè để tìm phương án khắc phục tối ưu nhất, song rất khó khăn bởi nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới bị cạn kiệt. Bên cạnh đó, một số nơi nguồn điện yếu nên không thể cùng lúc sử dụng nhiều bơm tưới hoạt động.
Tại huyện Thanh Chương thời gian này nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời ở Thanh Chương, Nghệ An có lúc lên đến 44 độ C. Hiện, toàn huyện Thanh Chương đã có gần 500 ha chè bị cháy sém lá, nằm rải rác ở tất cả các vùng trồng chè của huyện. Ngoài những diện tích chè bị cháy táp lá, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương đã có khoảng 3 ha chè bị cháy nặng nề, khó cứu vãn.
Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 1.000 ha chè bị cháy sém lá, một số ít diện tích bị cháy nặng nề.Theo Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ dự báo, trong thời gian tới thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không có mưa, khả năng hạn hán tiếp tục tiếp diễn và sẽ gây thiệt hại nặng nề cho vùng chè của tỉnh.
Để ứng phó với tình hình nắng nóng, hạn hán đảm bảo nước phục vụ cho sản xuất vụ hè thu mùa năm 2019 và sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện khẩn về việc chống hạn, trong đó yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi trên địa bàn, chủ động lực lượng, thiết bị, máy bơm dầu, bơm điện dã chiến, tận dụng mọi nguồn nước để bơm tưới phục vụ sản xuất và cấp nước cho sinh hoạt, dân sinh.
Mạnh Hùng