Mặc dù được UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện thuận lợi cấp đất để thu hút đầu tư xây dựng; tuy nhiên, nhiều dự án trên địa bàn vẫn chậm triển khai, có những dự án chủ đầu tư không hề triển khai thực hiện!

Dự án của công ty CP Du lịch Hà Nội - Kim Liên, sau 8 năm đến nay mới chỉ xây lên chiếc cổng hoành tráng

“Đất vàng” bỏ hoang

Năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cấp 3,2 ha đất cho Công ty CP Du lịch Hà Nội – Kim Liên, ví trí nằm trên đường Bình Minh, phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò). Đây là vị trí có địa thế đẹp, rộng rãi, được xem là khu đất vàng.

Tuy nhiên, sau khi cấp đất, phía chủ đầu tư mới chỉ đầu tư làm một chiếc cổng khá hoành tráng, bên trong, thay vì xây khách sạn thì lại cho trồng cây cảnh, còn lại là một khu đất hoang, cỏ mọc um tùm. Việc một công trình được cấp đất gần 8 năm, nhưng vẫn chưa chịu triển khai xây dựng - đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển quy hoạch đô thị biển Cửa Lò, khiến cho nhiều đơn vị khác thực sự muốn đầu tư vào đây lại không có đất để triển khai.

TX. Cửa Lò, từ năm 2007 - 2014, có tới 23 dự án được giao đất, trong đó có 6 dự án giao đất không thu tiền, còn lại là các dự án thuê đất. Tuy nhiên, đến nay mới có 10 dự án đã xây dựng, một số dự án đang dỡ dang, 8 dự án chưa xây dựng.

Trao đổi với phóng viên, ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TX. Cửa Lò cho biết, một số dự án, đến nay, chủ đầu tư mới chỉ dừng lại ở việc xây bờ rào giữ đất, chưa thấy đầu tư, xây dựng. Địa phương kiến nghị UBND tỉnh thu hồi nếu không chịu triển khai thực hiện dự án.

Tại TP. Vinh, người dân cũng rất bức xúc với nhiều dự án treo. Như dự án của Công ty CP Bao bì SABECO Sông Lam, gần 10 năm qua, người dân sinh sống ở đầu đường Ngư Hải, bức xúc trước hàng nghìn m2 đất quy hoạch xong rồi bỏ đó. Đến nay, khu đất này tuy được bao bọc bởi các tấm tôn, nhưng ai đi qua đều dễ dàng nhận thấy cảnh nhếch nhác, rất phản cảm. Xung quanh khu đất, các quầy bán quần áo di động đua nhau lấn chiếm.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào năm 2007, khu đất này nằm trong dự án đã được UBND tỉnh ký thỏa thuận với Tổng công ty Bia - Rượu - nước giải khát Sài Gòn quy hoạch kêu gọi đầu tư, xây dựng tổ hợp thương mại, dịch vụ. Nhưng sau đó, dự án này được bàn giao cho Công ty CP Bao bì SABECO Sông Lam tiếp quản. Ngày 6/8/2013, UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định xây dựng tại Quyết định số 3384 với tổng diện tích 3.452,4 m2, gồm: 1 tổ hợp nhà thương mại dịch vụ SABECO cao 4 tầng, diện tích 1.058,4 m2, tổng vốn đầu tư trên 67 tỷ đồng. Cũng trong năm 2013, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiếp đó, năm 2014, dự án được UBND tỉnh ký quyết định cho thuê đất và hợp đồng thuê đất cho địa điểm số 02 Ngư Hải. Còn địa điểm số 03 Trần Phú, với diện tích gần 1.000 m2 vẫn chưa hoàn tất thủ tục giao đất, cho thuê đất. Theo tiến độ mà chủ đầu tư đã đăng ký thì đến hết năm 2014, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng bất cứ một hạng mục công trình nào.

Nên thu hồi giấy phép

Trước những gì đang tồn tại tại Dự án tổ hợp dịch vụ thương mại của Công ty CP Bao bì SABECO Sông Lam, nguy cơ khu đất ở vị trí đắc địa giữa trung tâm TP. Vinh đang bị bỏ hoang là điều hiện hữu. Chính vì vậy, qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh, thành phố, người dân đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng quy hoạch “treo” của dự án này. Ngày 10/10/2014, tại cuộc họp của UBND tỉnh, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận, theo đó, từ nay đến hết năm 2014, sẽ phá dỡ các hạng mục công trình cũ. Dự kiến, đến quý I/2015, chủ đầu tư phải tiến hành thi công xây dựng công trình như đã phê duyệt. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 12/2014, tại khu đất này, mọi thứ vẫn “án binh bất động”, các hạng mục cũ vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu.

Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho hay: Năng lực một số nhà đầu tư yếu, lại đầu tư theo phong trào nên có biến động của thị trường là gặp khó khăn trong việc huy động vốn hoặc thay đổi chiến lược, mục tiêu đầu tư. Một số nhà đầu tư không triển khai đầu tư mà cố tình giữ đất để chuyển nhượng dự án kiếm lợi nhuận…

Lý giải trước những thực trạng mà các dự án đã được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt đầu tư xây dựng trong thời gian qua đang chậm tiến độ, hầu hết các nhà đầu tư đều đưa ra nhiều lý do mang tính khách quan để biện minh cho mình. Đó là tác động của tình hình kinh tế khó khăn, do thiếu vốn, vướng mắc giải phóng mặt bằng…

Đề nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ, tránh tình trạng lãng phí quỹ đất của đô thị loại I như hiện nay. UBND tỉnh Nghệ An cần kiên quyết thu hồi các dự án nếu năng lực tài chính của nhà đầu tư quá yếu để bàn giao cho đơn vị khác đủ năng lực thi công.

Mạnh Hùng