Sở Y tế Nghệ An cho biết, sau một năm triển khai thực hiện chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, số cơ sở hành nghề y dược không có giấy phép được các huyện rà soát báo cáo (trước khi ban hành chỉ thị 03) là 685 cơ sở. Sau khi triển khai chỉ thị 03, tính đến ngày 30/9/2018 còn 83 cơ sở nhưng đến 31/5/2019 số cơ sở hành nghề không phép đang hoạt động tăng lên 181 cơ sở.
Nhiều cơ sở hành y dược không phép
Điều đáng nói, đầu năm 2019, đoàn Thanh tra của Sở Y tế Nghệ An tổ chức 2 đợt giám sát ngẫu nhiên đã phát hiện thêm một số cơ sở hành nghề không phép nhưng không có tên cơ sở trong danh sách thống kê báo cáo của UBND huyện, thị, thành phố. Cụ thể, tháng 2/2019, phát hiện 8 cơ sở phòng khám Răng – Hàm – Mặt đang hoạt động gồm: 3 cơ sở tại huyện Quỳnh Lưu; 3 cơ sở sở huyện Diễn Châu; 3 cơ sở ở huyện Nghi Lộc. Tháng 5/2019, phát hiện 11 cơ sở phòng khám Răng – Hàm – Mặt đang hoạt động gồm: huyện Quỳnh Lưu 2 cơ sở, huyện Diễn Châu 5 cơ sở, huyện Nghi Lộc 1 cơ sở, huyện Yên Thành 3 cơ sở.
Theo Sở Y tế Nghệ An, tổng hợp báo cáo của các huyện, thị, thành phố vẫn còn 181 cơ sở không phép nhưng số liệu báo cáo này thấp hơn với số cơ sở hành nghề không phép thực tế tại một số huyện. UBND tỉnh Nghệ An đã phân cấp trách nhiệm quản lý, UBND các huyện cần phải giám sát quyết liệt. Tuy nhiên, thời gian qua, việc giám sát, hậu kiểm không nghiêm và chưa thường xuyên, dẫn đến một số cơ sở đã bị đình chỉ tái hoạt động. Chính quyền các cấp chưa thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của mình.
Hành nghề không có giấy phép gia tăng bao gồm các cơ sở đã đình chỉ nhưng tái hoạt động và cơ sở thành lập mới. Đặc biệt, so sánh với năm 2018 thì huyện Đô Lương còn 91 cơ sở không phép (tăng 76 cơ sở), thị xã Hoàng Mai còn 34 cơ sở (tăng 27 cơ sở), Quỳnh Lưu còn 8 cơ sở (tăng 8 cơ sở), TP Vinh còn 18 cơ sở (tăng 1 cơ sở)…
Căn cứ theo chỉ thị 03/CT-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, việc để cơ sở hành nghề không phép “tràn lan” trên địa bàn các huyện thì UBND huyện, thị, thành phố phải chịu trách nhiệm.
Nguyên nhân gia tăng cơ sở hành nghề y dược trái phép được xác định do: Việc thực hiện giám sát, hậu kiểm không nghiêm và chưa thường xuyên, dẫn đến một số cơ sở đã bị đình chỉ, sau đó tái hoạt động lại (điển hình nhất là các cơ sở hành nghề chuyên khoa: Y học cổ truyền; Răng hàm mặt). Chính quyền các cấp chưa thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của mình và chưa có các giải pháp thích hợp để giải quyết triệt để hành nghề không phép trên địa bàn. Nhiều địa phương còn giao phó trách nhiệm cho phòng y tế là chính, các ngành khác tham gia không đầy đủ và chưa nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Ngoài ra, việc xử vi phạm hành chính các cơ sở hành nghề trái phép không nghiêm, chưa quyết liệt. Có huyện, số tiền xử phạt vi phạm ít. Còn có huyện kiểm tra hành nghề không phép, nhưng không xử phạt vi phạm hành chính nên vẫn còn cơ sở hành nghề không phép hoạt động.
Mạnh Hùng