Trong số 50 dự án đã thu hút đầu tư vào khu công nghiệp VSIP Vinh, có 30 dự án FDI.
Trong số 50 dự án đã thu hút đầu tư vào khu công nghiệp VSIP Vinh, có 30 dự án FDI

Lọt top 10 thu hút FDI

Với quyết tâm tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo và công nghiệp hỗ trợ, Nghệ An hướng đến duy trì vị thế trong nhóm dẫn đầu thu hút vốn FDI toàn quốc.

Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố cho thấy, từ tính từ đầu năm nay đến hết tháng 11/2024, Nghệ An thu hút được 15 dự án mới với số vốn đăng ký 691,5 triệu USD và điều chỉnh vốn cho 12 dự án với tổng số vốn 877,16 triệu USD; ngoài ra có 1 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị 0,04 triệu USD.

Như vậy, tổng số vốn FDI vào Nghệ An đạt 1,5687 tỷ USD; tăng 120,5% so với cùng kỳ; đưa Nghệ An trở lại tốp 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hút vốn FDI cao nhất từ đầu năm đến nay, sau 10 tháng đầu năm nằm ngoài tốp 10. Nghệ An cũng là địa phương duy nhất trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung được ghi nhận trong tốp 10 thu hút FDI 11 tháng đầu năm nay.

Với kết quả trên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trên địa bàn Nghệ An hiện có 165 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn hơn 5,5 tỷ USD, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành cả nước.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, dự kiến cả năm 2024, tỉnh sẽ thu hút được 1,696 tỷ USD vốn FDI. Trước đó, năm 2023, Nghệ An lần đầu tiên thu hút vốn FDI vượt 1 tỷ USD; đạt 1,603 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Năm 2022, Nghệ An đã thu hút được 961,3 triệu USD, lần đầu tiên vào tốp 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Nhiều dự án sắp đi vào hoạt động

Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, trong quý IV/2024, một loạt các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chính thức đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất công nghiệp, ngành đang có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Một trong những dự án đáng chú ý là Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Everwin Precision Việt Nam giai đoạn 1 tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An 1, với công suất 270 triệu sản phẩm/năm. Dự án này do Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 chiếm 200 triệu USD, chuyên sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị truyền thông.

Ngoài ra, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng, thuộc Tập đoàn Juteng, cũng sẽ đi vào hoạt động tại Khu Công nghiệp Hoàng Mai I với mức đầu tư giai đoạn I là 200 triệu USD, sản xuất 32 triệu sản phẩm/năm. Cùng với đó, dự án Sunny Automotive Quang học Vina của Tập đoàn Sunny tại Khu Công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An, chuyên sản xuất linh kiện quang học, mô-đun camera và các thiết bị điện tử, cũng sẽ chính thức vận hành với công suất 60 triệu sản phẩm/năm và tổng đầu tư 150 triệu USD.

Nhiều dự án khác như: Công ty TNHH KHKT Luxvisions Innovation, Công ty TNHH Công nghệ Kersen, Công ty TNHH JTEC Nghệ An cũng đang chuẩn bị đi vào sản xuất, hứa hẹn tạo ra động lực mới cho nền công nghiệp chế biến và chế tạo của tỉnh.

Những dự án này được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Trong năm 2024, UBND tỉnh cho biết sản xuất công nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh dự báo sẽ tăng trưởng 11,5% so với năm 2023, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nghệ An trong năm nay ước đạt 3,207 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2023 và vượt 16,6% so với kế hoạch. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng ấn tượng, điển hình như linh kiện điện tử tăng 84,4%, dây điện và cáp điện tăng 74,5%, giày dép các loại tăng 88,1%. Các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các thị trường lớn như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu rất cao.

Năm 2024, tỉnh Nghệ An dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, nhờ vào sự phát triển của các dự án FDI lớn. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI trong khu kinh tế và các khu công nghiệp, để đảm bảo các dự án quan trọng như: Sunny Automotive Quang học Vina, Technology Xinfeng Việt Nam, và Luxshare - ICT 2 đi vào hoạt động trong năm 2025.

Ông Lê Tiến Trị - Trưởng BQL Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết: Với việc một loạt dự án chuẩn bị đi vào hoạt động, Nghệ An sẽ tiếp tục lọt top 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hút vốn FDI cao nhất. Trong những năm tới, tình hình thu hút vốn FDI của tỉnh dự báo sẽ tiếp tục tăng, do các dự án FDI hình thành chuỗi liên kết, cung ứng nối đuôi nhau cùng vào Nghệ An.

Để tiếp tục phát triển, Nghệ An đang thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp, đặc biệt chú trọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, và công nghiệp vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới. Tỉnh cũng đang tập trung phát triển năng lượng sạch và tái tạo, đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất dược liệu và chế biến lâm sản, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai.

Lê Quyết