Nghệ An là tỉnh đông dân cư, đồng thời là trung tâm đầu mối tiếp nhận, chuyển giao các loại thực phẩm, hàng hóa. Trong số đó, có không ít hàng hóa là thực phẩm độc hại, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đang được sử dụng khá phổ biến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Thời gian qua, do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tăng cao nên hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn nhìn chung diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng để đưa hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, hàng cấm, hàng nhập lậu ra thị trường tiêu thụ.

Theo báo cáo của Chi cục QLTT và Chi cục VSATTP ( Nghệ An ) cho biết, trong năm 2017 Nghệ An xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 357 người mắc, trong đó 3 trường hợp tử vong. Đã tiến hành kiểm tra 19.354 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó 4.323 cơ sở vi phạm, xử lý 2.076 cơ sở  vi phạm về Vệ sinh An toàn thực phẩm với tổng giá trị thu phạt hơn 2,6 tỷ đồng. Phát hiện, bắt giữ và tiêu hủy hơn 10 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, làm giả, làm nhái…

Nghệ An: Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm - Hình 1

Thực phẩm không rõ nguồn gốc, đã bốc mùi hôi thối bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, cấp tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, còn cấp huyện và xã vẫn chưa thể kiểm soát một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn hàng nghìn cơ sở hoạt động tự do, chưa được đăng ký, quản lý về cơ sở, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống nhiễm khuẩn.

Các vi phạm trong lĩnh vực VSATTP trên địa bàn Nghệ An được chia thành 3 nhóm: Vi phạm các quy định về sản xuất, chế biến thực phẩm, được cụ thể hóa ở các loại hình như dùng chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, tạo nạc, đưa tạp chất bẩn vào thực phẩm; sử dụng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia quá mức cho phép; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch. Nhóm vi phạm luật và các quy định về kinh doanh thực phẩm, nổi bật là mua bán các loại thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng và quá hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về nhãn mác, bao bì.

Ông Trần Đăng Ninh – Chi cục trưởng QLTT Nghệ An cho biết, qua kiểm tra thực tế tại các chợ, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện có chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm...

Còn theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, so với những năm trước, hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đã nắm bắt được Luật ATTP, thể hiện qua việc các cơ sở thực hiện tương đối đầy đủ giấy tờ liên quan đến ATTP, đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình do tập trung nhiều vào lợi nhuận nên chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Một số làng nghề sản xuất theo thói quen mà không biết những thói quen đó ảnh hưởng đến vấn đề ATTP của sản phẩm. 

Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hơn ai hết những người sản xuất, kinh doanh cũng cần đề cao lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của mình, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất lương tri. Còn phía người tiêu dùng hãy luôn tỉnh táo, sáng suốt trong việc lựa chọn những loại sản phẩm an toàn. Không mua các loại thực phẩm đóng bao gói sẵn không có nhãn mác, chỉ mua các loại có nhãn đầy đủ như tên thực phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, định lượng thực phẩm, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và sử dụng...

Ngoài ra, để tránh các vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra, mọi người không nên sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng. Nếu trong mỗi chúng ta, ai cũng ý thức được việc loại trừ các thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn các thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì sẽ bảo vệ được sức khỏe cũng như tính mạng của chính bản thân mình.

Mạnh Hùng