Tạm yên ắng

Thông tin UBND TP Cần Thơ vừa quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê vì đổi 100 USD tại một tiệm vàng đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Khiến những người có thói quen giao dịch ngoại tệ qua các kênh không chính thức lo lắng.  

Bà Hoàng Xoan, ở Phường Bến Thủy – TP Vinh (Nghệ An) cho biết, trước giờ khi cần hay được người thân ở nước ngoài gửi USD về cho, mỗi lần một vài trăm nên thường lên các tiệm vàng trên đường Cao Thắng để bán. 

Nghệ An: Phố mua bán ngoại tệ 'chợ đen' tạm ngưng hoạt động - Hình 1

Đường Cao Thắng con phố này dài chưa đầy 200 m, đây được xem là nơi kinh doanh, buôn bán trao đổi ngoại tệ lớn và sầm uất bậc nhất TP. Vinh. Được coi  là “phố vàng và ngoại tệ” ở Nghệ An với hàng chục cửa hàng vàng bạc lớn nhỏ kiêm luôn dịch vụ mua bán ngoại tệ.

Trong vai khách hàng, chúng tôi đến tiệm vàng M. ở đường Cao Thắng hỏi mua USD, Chị chủ tiệm giọng dè chừng, đầy cảnh giác : “Ở đây không mua bán ngoại tệ Em ạ! Ra Ngân hàng nhé”. Tại các tiệm vàng trên tuyến đường này, khi chúng tôi hỏi có nhu cầu mua đổi ngoại tệ, nhìn chung, khác với thái độ trước đây đón tiếp niềm nở, săn đón thì những nhân viên và  “cò ngoại tệ” đều có thái độ dè chừng, cảnh giác, đôi mắt đảo ngang đảo dọc quan sát.

Còn các tiệm vàng trên đường Quang Trung, Trần Phú, Lê Lợi...đa số các chủ kinh doanh vàng đều lắc đầu khi được hỏi giá. Một chủ tiệm trên đường Lê Lợi cho biết mấy ngày nay cửa hàng đã ngưng giao dịch đồng đôla và các loại ngoại tệ khác. Các tiệm vàng lý giải sợ Cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường phạt vì trao đổi mua, bán đôla trái phép nên phải ngừng hoạt động.

Sự tồn tại của thị trường USD "chợ đen" như một đối trọng với thị trường chính thức, hợp pháp. Giá USD "chợ đen" luôn cao hơn ngân hàng và hoạt động sôi nổi không kém. Vì sao lại có tình trạng USD hai giá và thị trường chợ đen tồn tại mặc nhiên như vậy?

Chợ đen thuận lợi hơn ngân hàng?

Đại diện Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Hầu hết các ngân hàng hiện nay đều được cấp phép mua, bán ngoại tệ hợp pháp. Ngoài ra người dân có thể tìm đến các tổ chức tín dụng, tiệm vàng có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.

Theo tìm hiểu vì sao khách hàng không vào ngân hàng và các điểm đã được Ngân hàng nhà nước cấp phép để đổi ngoại tệ, thì được biết, có ngân hàng thuận lợi, nhưng cũng có ngân hàng gây khó khăn. Tại ngân hàng M, khi hỏi đổi USD sang Việt Nam đồng, nhân viên ngân hàng này truy hỏi nguồn gốc, giấy tờ liên quan... một cách lườm rà, nhiêu khê.

Trao đổi với PV Thương hiệu và Công luận, Giám đốc một Ngân hàng ở Nghệ An cho biết: Hoạt động ngoại tệ hiện nay chủ yếu có các nguồn chính, gồm: Xuất khẩu, kiều hối…Theo quy định, khi người dân đến ngân hàng phải chứng minh được nguồn gốc ngoại tệ thì ngân hàng mới thu vào. Ở đây không gọi là “đổi” mà là mua bán. Ngân hàng mua ngoại tệ và trả cho người dân bằng tiền VNĐ.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thị trường chợ đen không tự nhiên mà có, chuyện có cung ắt phải có cầu là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hơn nữa, do chênh lệch giá USD trong và ngoài ngân hàng cùng với việc các ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của người dân nên mới có chuyện dân đến khu "chợ đen" trao đổi, mua bán USD.

Bên cạnh đó, thủ tục trao đổi ở chợ đen khá nhanh gọn, thuận lợi làm hài lòng người mua người bán...

Cùng theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An: Ở địa bàn tỉnh Nghệ An đến thời điểm này, ngoài các ngân hàng được cấp phép mua, bán ngoại tệ còn có 6 đơn vị, DN được cấp phép, trong đó có đến 4 đơn vị, DN  là trao đổi ở khách sạn.

Mạnh Hùng