Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ tình hình thực tế chủ động xây dựng kế hoạch công tác năm 2022 và các kế hoạch chuyên đề; tăng cường kỷ cương, kỷ luật thực thi công vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Việc kiểm tra, kiểm soát phải có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các tuyến biên giới, các kho tàng, bến bãi tập kết hàng hóa lớn, các trung tâm có lượng hàng hóa lớn, các tuyến quốc lộ trọng yếu, cảng hàng không, nhà ga. Việc kiểm tra, xử lý phải tuân thủ đúng pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần phải phối hợp kịp thời, chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng bỏ sót, chồng chéo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu: Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, phát huy sức mạnh tổng họp của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phù hợp với tình hình mới hiện nay; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, của các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.
Làm tốt công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các đường mòn, lối mở biên giới, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, triệt phá tận gốc, xác định không có vùng cấm trong công tác này.
Chủ động phối hợp chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyến khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa... phát hiện, xử lý kịp thời các lô hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và chính sách ưu đãi của các nước dành cho Việt Nam.
Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền; quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.
Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý gây ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.
Hoàng Linh