Đoàn liên ngành đánh giá cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số cơ sở ăn uống ở các khu du lịch biển.
Đoàn liên ngành đánh giá cao công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số cơ sở ăn uống ở các khu du lịch biển tại huyện Quỳnh Lưu.

Thực hiện Quyết định số 980/QĐ-UBND ngày 10/4/2025 của UBND tỉnh Nghệ An, từ ngày 14/4 đến 15/5/2025, Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại ba địa phương gồm thị xã Thái Hòa, huyện Hưng Nguyên và huyện Quỳ Hợp.

Tổng cộng, 25 cơ sở thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống đã được kiểm tra, trong đó có 11 cơ sở thực phẩm và 14 cơ sở dịch vụ ăn uống (gồm bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp và nhà hàng).

Kết quả kiểm tra cho thấy, bên cạnh những chuyển biến tích cực tại một số đơn vị, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế đáng lo ngại. Một số cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, việc ký cam kết đảm bảo an toàn còn mang tính hình thức.

Hoạt động kiểm tra của các đoàn cấp huyện chưa hiệu quả, số lượng cơ sở được giám sát còn ít, việc thống kê và cập nhật thông tin các cơ sở kinh doanh trên địa bàn chưa đầy đủ.

Cụ thể, một số cơ sở vi phạm các quy định như: kho bảo quản không có kệ chứa; không bố trí khu vực thay đồ bảo hộ riêng biệt; không theo dõi nhiệt độ với sản phẩm cần bảo quản lạnh; nhân viên không sử dụng đầy đủ trang phục bảo hộ; thực phẩm không rõ nguồn gốc; hệ thống thoát nước tại khu vực chế biến không đảm bảo vệ sinh...

Trên cơ sở đó, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và chuyển hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 4 cơ sở gồm: Hộ kinh doanh xưởng sản xuất Kyodo Foods (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn) bị xử phạt 12 triệu đồng; Chi nhánh Công ty CP Đầu tư Thế giới Sữa tại Nghệ An (phường Hưng Lộc, TP. Vinh) bị xử phạt 12 triệu đồng; Công ty CP Thực phẩm Tứ Phương – Địa điểm kinh doanh số 12 (phường Hồng Sơn, TP. Vinh) bị xử phạt 16 triệu đồng; Công ty CP Dịch vụ suất ăn công nghiệp Nam Thắng (xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên) bị xử phạt 12 triệu đồng.

Việc xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm là động thái cần thiết nhằm chấn chỉnh những bất cập trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả lâu dài, cần có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và đặc biệt là ý thức trách nhiệm từ chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. An toàn thực phẩm không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là cam kết đạo đức đối với sức khỏe cộng đồng.

Lê Đình